Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng từng tiếp nhận một bệnh nhi 11 tuổi hóc dị vật đường hô hấp nhập viện trong tình trạng môi tím nhẹ, trẻ khò khè, thở rít, ho khan, tức ngực.

Bé trai Đ.B.N trú tại xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, ngậm chi tiết lego đồ chơi có kích thước 3x3mm, vô ý nuốt phải và dị vật trôi vào đường thở. Sau đó, trẻ ho sặc sụa, nôn khan, khó thở, tức ngực người nhà đã cho trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Bảo cấp cứu sau đó chuyển viện sang Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Tại đây, các bác sĩ đã khẩn trương cho chụp CT Scanner ngực tìm dị vật, làm các xét nghiệm máu, khí máu. Sau khi có kết quả về vị trí dị vật, các bác sĩ tiến hành hội chẩn, chuẩn bị ê kíp nội soi phế quản gắp dị vật. Mảnh ghép lego được lấy ra khỏi khí quản bệnh nhi.

W-di-vat-duong-thovnn-1.jpg
Nhiều trẻ nhập viện cấp cứu vì hóc các loại hạt như hướng dương, bí, lạc... 

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng liên tục tiếp nhận những ca hóc dị vật ở nhiều độ tuổi khác nhau, gây hẹp hoặc tắc nghẽn đường thở, dẫn đến tình trạng nguy kịch ở trẻ.

Dị vật các bé mắc phải khá đa dạng, như hóc xương lợn vào phế quản gốc phải do trẻ vừa ăn vừa chơi, chạy nhảy; hóc vỏ hạt bí do bố mẹ không chú ý để con tự ý ăn hạt bí trên bàn; hóc hạt hướng dương; nuốt phải viên đạn nhựa vào trong đường thở...

Có trường hợp bé trai 7 tuổi nuốt phải đầu bút bi trong lúc chơi với các bạn ở lớp. Hôm sau, cháu có biểu hiện thở rít lặp lại gần nhau, kèm theo ho, cháu được khám ở bệnh viện tuyến huyện, lên bệnh viện tỉnh rồi lập tức chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Dị vật này bít tắc gần kín đường thở của trẻ, nếu không được xử trí sớm sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Đăng Việt, Trưởng Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị hóc dị vật như các trường hợp trên không phải là hiếm gặp.

"Trẻ nhỏ với bản tính tò mò, hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng để khám phá, hoặc trong quá trình ăn uống cha mẹ để con vừa ăn vừa chơi, vừa khóc vừa ăn; các bạn học sinh lớn hơn thì hiếu động, chơi nghịch nhiều trò chơi nên dễ bất cẩn", bác sĩ Việt nói.

Dị vật đường thở có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tùy thuộc vào loại dị vật, tuổi của bệnh nhân và thời gian được điều trị sớm hay muộn.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh có tâm lý chủ quan chỉ nghĩ trẻ nuốt phải vật lạ, nhưng không lường được nguy hiểm khi dị vật bít kín đường thở nếu không xử trí kịp thời sẽ gây viêm phế quản; viêm phổi; xẹp phổi, áp xe phổi, nặng hơn là suy hô hấp, di chứng não do thiếu oxy hoặc thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.

Nếu dị vật mắc kẹt ở ngã ba hầu họng và đường thở, bé có nguy cơ khó thở nguy kịch. Nếu mắc ở đường tiêu hóa không được xử lý đúng và kịp thời, bệnh nhi sẽ bị nhiễm loét, rò thủng thực quản và viêm loét dạ dày với nhiều hệ lụy khó lường.  

Để phòng tránh tai nạn hóc dị vật đáng tiếc cho trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần lưu ý: Người lớn phải thường xuyên để mắt tới trẻ nhỏ, khi trông giữ trẻ người lớn phải thường xuyên giám sát, giữ trẻ trong tầm mắt.

Không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc hoặc không nên nô đùa khi có thức ăn trong miệng; Luyện cho trẻ thói quen không cho các vật và đồ chơi vào miệng ngậm mút; Không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn, các loại hạt... Với trẻ lớn không ngậm đầu bút bi hay các loại đồ có thể chui lọt vào đường thở, tiêu hóa...

Các đồ vật nhỏ như đinh, ốc vít, đồng xu, pin, kim, tăm… hay những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dầu hỏa, xăng, nước giặt, kể cả nước sôi… phải để xa, để cao hẳn khỏi tầm tay của trẻ. Kiểm tra đồ chơi của trẻ thường xuyên để đảm bảo các khe cắm pin đã khóa trong và an toàn. 

Các thầy thuốc khuyến cáo cha mẹ cần biết cách sơ cứu đúng (như động tác Heimlich, vỗ lưng ấn ngực..) với trẻ hóc, sặc dị vật, tránh những thao tác sơ cứu không đúng có thể vô tình đẩy dị vật sâu hơn, khiến tình trạng của trẻ trở nên nguy hiểm hơn. Đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để có chẩn đoán và xử trí chính xác, kịp thời.

Võ Thu, Phương Thúy, Kiều Oanh, Diệu Thúy