- Mũ bảo hiển (MBH) chỉ bảo vệ được búi tóc. Khi xảy ra va chạm mũ rất dễ bị xô lệch ra khỏi đầu. Không thể trách người đội vì búi tóc là nét văn hóa truyền thống. Thực tế này được đưa ra bàn luận Tại Hội thảo nghiên cứu giải pháp sản xuất MBH phù hợp với phụ nữ đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc sáng nay.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc đội MBH cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đang khó khăn trong cách thức triển khai; tiềm ẩn nhiều rủi ro vì những rào cản của yếu tố phong tục, trang phục truyền thống ảnh hưởng đến việc chấp hành quy định đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy.

{keywords}
Với cách đội MBH của phụ nữ người dân tộc thiểu số sẽ rất khó bảo vệ vùng đầu cho người đội.

Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa chỉ ra nguyên nhân tuyên truyền đội MBH đối với phụ nữ đồng bào dân tộc gặp khó khăn là do phong tục, thói quen, nhận thức còn những hạn chế nên một bộ phận không nhỏ cho rằng đội MBH đi xe môtô, xe gắn máy là không quen, vướng víu; chỉ đi lại trong thôn bản, làng, xã một đoạn ngắn… không cần thiết phải MBH.

“Khi bị các lực lượng chức năng tuần tra phát hiện thì chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở chứ ít khi áp dụng hình thức xử phạt theo quy định với những phụ nữ dân tộc bởi việc tiếp thu để hiểu rất khó khăn,” ông Linh cho biết.

Nhiều đại diện và chuyên gia cũng lo ngại, nếu vẫn để nguyên trang phục và phong tục trên khi đội MBH thì làm hạn chế tác dụng về bảo vệ, giảm chấn thương vùng đầu khi xảy ra tai nạn, đặc biệt với trường hợp phụ nữ Thái búi tóc trên đỉnh đầu thì gần như MBH không có tác dụng.

Ông Dương Anh Tài, đại diện nhà sản xuất MBH Protec cho rằng, phụ nữ Thái đội MBH chỉ bảo vệ được búi tóc. Khi xảy ra va chạm, mũ rất dễ bị xô lệch ra khỏi đầu. Không thể trách người đội vì búi tóc là nét văn hóa truyền thống.

“Do đó, MBH không có tác dụng bảo vệ người đội mà còn gây mất an toàn giao thông. Họ rất muốn chấp hành Luật giao thông nhưng chưa có giải pháp nào tháo gỡ thực trạng này,” ông Tài thành thật.

Đưa ra giải pháp thiết kế MBH cho các đối tượng này, theo ông Tài nên khoét lỗ mũ trên đỉnh, mũ ốp sát phần đầu nhưng khả năng bảo vệ đâm xuyên tại vị trí búi tóc cần nghiên cứu thêm. Hoặc phương án 2 là làm chiếc mũ ôm toàn bộ vùng búi tóc và phần đầu người đội có thể đạt tất cả các chỉ tiêu nhưng trọng lượng nặng, mũ dễ xô lệch, chi phí sản xuất cao hơn mũ thông thường 30-60%.

Dưới góc độ văn hóa, Phó GS.TS - nhà văn hóa Lê Thị Hoài Phương cho rằng, phụ nữ Thái bỏ tằng cẩu (búi tóc)  khi tham gia giao thông là vấn đề khó nhưng vẫn có thể vận động được vì Luật tục vẫn có thể thay đổi. Đối tượng vận động là chồng và gia đình người chồng.

Ông Hùng cho biết, nếu vận động được đồng bào thay đổi được Luật tục là tốt nhất. Tuy nhiên, quá trình tuyên truyền vận động cần thời gian. Song song với đó cần thí điểm sản xuất đội MBH dành cho phụ nữ dân tộc.

“Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ chính thức có văn bản sang Bộ KH&CN nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, phụ lục về quy chuẩn riêng dành cho đối tượng phụ nữ dân tộc thiếu số, đồng thời trong quá trình hoàn thiện xây dựng sẽ đề nghị  Bộ KH&CN cho sản xuất thí điểm nhằm tiếp tục hoàn thiện Quy chuẩn quốc gia”, ông Hùng nói

Vũ Điệp