- Các thống kê cho thấy, phụ nữ đang chiếm ưu thế so với nam giới trong các ngành giáo dục và y tế tại Việt Nam.
Nghiên cứu về xung đột vai trò ở nữ trí thức ở Việt Nam công bố tại Hội thảo quốc tế về Công tác xã hội với phụ nữ và trẻ em tổ chức mới đây của Tạ Thị Thanh Thủy và Nguyễn Thị Hồng, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM cho thấy, hiện nay, phụ nữ trí thức tham gia làm việc trong tất cả các thành phần kinh tế.
Thống kê vào năm 2015 cho thấy, tỉ lệ nữ tốt nghiệp ĐH là 36,24%, thạc sĩ là 33,95%, tiến sĩ là 25,69%. Phụ nữ chiếm ưu thế trong các ngành giáo dục và y tế.
25 cô giáo trong tổng số 42 giáo viên hải đảo tiểu biểu xuất sắc trong buổi gặp mặt với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Thanh Hùng. |
Trong công tác chuyên môn, phụ nữ chiếm số đông trong các lĩnh vực văn học, ngôn ngữ, y dược, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kinh tế.
Tính trên tổng số lao động tham gia vào từng thành phần kinh tế thì có 53% nữ trí thức làm việc trong thành phần kinh tế ngoài nhà nước, 32% làm việc trong các thành phần kinh tế tập thể và 43% làm việc trong thành phần kinh tế nhà nước.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nữ trí thức Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu với những xung đột vai trò khá nghiêm trọng.
Số phụ nữ làm việc tăng thêm 10% nhưng trách nhiệm gia đình vẫn chủ yếu đặt lên vai người phụ nữu. Chỉ 2-4% nam giới đảm đương việc nhà.
Mỗi người phụ nữ khi có thêm 1 con phải tăng thêm 2 giờ làm việc nhà mỗi ngày.
Kết quả nghiên cứu tại Hà Nội và Yên Bái thực hiện năm 2013 cũng cho thấy, phụ nữ làm việc nhà 4,2 giờ/ngày trong khi đó nam giới làm việc nhà 3,6 giờ/ngày. Nghĩa là thời gian trung bình làm việc nhà của nữ giới cao gấp 1,17 lần so với nam giới.
Nghiên cứu cũng cho rằng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thường phải mất 10 năm cho việc nuôi dạy con nhỏ, như vậy, họ mất đi 10 năm cơ hội thăng tiến cũng như nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Tuy nhiên, thị trường lao động lại không hoạt động theo nguyên tắc dành cho gia đình.
Nghiên cứu cũng dẫn lại ý kiến của GS Tô Duy Hợp, Giám đốc Trung tâm Khoa học Tư duy cho rằng, không thể đòi hỏi phụ nữ phải "giỏi việc nước đảm việc nhà" mà đàn ông và phụ nữ cùng phải giỏi việc nước, đảm việc nhà.
"Nói cách khác, phụ nữ nên thoát khỏi sự ám ảnh phải vươn tới một sự hoàn hảo phi lý do xã hội áp đặt hay ảo tưởng người đa năng với 'tiêu chuẩn kép' này" - báo cáo viết.
Từ đó, nghiên cứu này đưa ra khuyến nghị cho rằng, người sử dụng lao động cần chú ý nhiều hơn đến trách nhiệm gia đình của phụ nữ. Đồng thời, các cặp vợ chồng cần có sự thay đổi trong nhận thức về những cam kết đối với trách nhiệm gia đình.
Hà Phương