Những ngày đầu tháng 3, phát ngôn trên của một MC quanh vấn đề "phụ nữ xấu là có tội", "phụ nữ đẹp là để cho đàn ông" kéo theo nhiều tranh cãi.
Nữ MC cho rằng "Đàn bà đẹp và khéo thì được ái mộ, xấu từ hồn tới xác thì vừa có lỗi với cộng đồng, xã hội, mà tội nhất chính là chồng".
Từ đó, nữ MC cho rằng phụ nữ đẹp và làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ là để phục vụ cho đàn ông. Phụ nữ coi nhan sắc là của mình, phục vụ cho mỗi mình mà không để ý đến đàn ông, rồi phủ lập bản năng và kỹ năng chiều chuộng đàn ông của bản thân là "thứ bình đẳng giới lệch lạc".
Phụ nữ can thiệp thẩm mỹ không chỉ để bằng chị bằng em mà quan trọng nhất là phải khiến vị "khán giả VIP", tức chồng mình hài lòng.
Theo nữ MC, thân thể, nhan sắc phụ nữ, là cội nguồn nuôi nấng bản năng đàn ông. Đặt đàn ông ra bên ngoài sự cân nhắc về chỉnh sửa thẩm mỹ, là tự phủ nhận thiên chức đàn bà của mình.
Phát ngôn trên kéo theo làn sóng phẫn nộ khi quan điểm, suy nghĩ và cả câu chữ đầy hàm ý hạ thấp người phụ nữ, đặt người phụ nữ trong mối tương quan lệ thuộc vào đàn ông, ngay cả chuyện làm đẹp.
Nhiều người cho rằng, ai muốn chiều đàn ông cứ chiều, muốn làm đẹp vì đàn ông cứ làm nhưng từ mong muốn, nhu cầu của mình rồi trùm lên thành trọng trách, nghĩa vụ cho phụ nữ đó thì trở thành định kiến, áp đặt và cả xúc phạm.
Chưa kể, điều này không chỉ xem thường phụ nữ mà còn xem thường cả đàn ông khi nữ MC cho rằng: Đàn ông thương vợ thường khăng khăng khen vợ đẹp, nhưng mấy ai tiêu diệt được hormone đàn ông trong cơ thể mình để rồi lại phải lòng cô nàng mặt xinh dáng đẹp.
Phụ nữ làm đẹp cho ai?
Phát biểu trên có thể đang dạy dỗ về mẫu hình "nữ tính độc hại". Nhưng nhìn vào thực tế, quan điểm cá nhân của nữ MC thật ra không phải từ trên trời rơi xuống.
Trong đời sống, chúng ta vẫn nặng tư tưởng phụ nữ đẹp cho đàn ông, phải hy sinh cho đàn ông. Cuộc đời, số phận, giá trị của nhiều người chỉ đặt trong mối tương quan với "đàn ông". Âu đây cũng là hệ quả của bất bình đẳng, định kiến về giới nặng nề.
Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kể một chuyện tế nhị về chị bạn quyết định làm thẩm mỹ phụ khoa làm khít "em bé" dù rất sợ hãi, sợ đau nhưng nỗi sợ lớn hơn là sợ chồng chán đi ra ngoài.
Khi đó, vị giảng viên đã hỏi lại, sao ông chồng không chỉnh mình cho khớp với vợ mà cứ phải là phụ nữ chịu đau, chịu khổ?
Bà cũng gặp rất nhiều trường hợp chị em vừa sinh nở, sinh mổ, đứng còn chưa vững, sức khỏe chưa hồi phục đã khổ sở lo chuyện... chiều chồng vì sợ chồng ra ngoài tòm tem này kia.
Cơ thể của chính mình, sức khỏe của mình lại chẳng được quan tâm mà thay vào đó là nỗi lo lắng "chồng đi cặp bồ" thành ưu tiên.
Nhắc đến những vấn đề mang tính riêng tư này, bà muốn chia sẻ bất bình đẳng với nữ giới xuất hiện mọi mặt trong đời sống. Đối nghịch với cảnh nhiều chị em cắn răng chịu đựng vì chồng thì phải chăng vì vậy đàn ông ít hoặc không có ý thức chăm sóc cơ thể cũng như nhiều vấn đề khác.
Không chỉ mỗi chuyện làm đẹp, trong cuộc sống, nhiều phụ nữ chịu đựng, gồng gánh, thậm chí là hy sinh hết cho người đàn ông đến mức biến mình thành người lệ thuộc. Mà có khi, họ càng gồng gánh thì phía bên kia, nhiều ông chồng càng ỷ lại, lười biếng, chỉ chờ hưởng mà không chủ động vun vén, xây đắp.
Chẳng phải tự nhiên trên con đường chống bất bình đẳng giới gần đây, chúng ta thường nghe kêu gọi phụ nữ Việt hãy bớt hy sinh.
Trong lần về nước, cũng vào dịp 8/3, khi trò chuyện về nhan sắc phụ nữ Việt, GS.TS triết học Thái Kim Lan, ĐH Munich, Đức từng trả lời câu hỏi phụ nữ đẹp cho ai.
Theo bà, cái đẹp của người con gái Việt giờ đây không còn gò bó trong tiêu chuẩn đẹp vì chồng, vì con, vì gia đình như trước. Phụ nữ làm đẹp là để trân quý, tôn trọng chính bản thân mình và người xung quanh. Cái đẹp đó cần đức hạnh, đi cùng trí tuệ, nhận thức và sự tự chủ.
"Cái đẹp ở thời đại nào cũng luôn cần được khuyến khích, trân trọng và cần được hiểu đẹp phải có phẩm chất. Đặc biệt, không chỉ phụ nữ mới cần đẹp, mới cần "Công - Dung - Ngôn - Hạnh" mà đàn ông cũng cần những phẩm chất này", vị GS nhấn mạnh.
Tuy nhiên, GS Thái Kim Lan cũng bày tỏ lo ngại thực trạng nhiều người đang chạy theo cái đẹp phô trương, chinh phục, toan tính cũng như để thỏa mãn dục tính của người khác.
Theo Dân trí
Con gái tặng mẹ bó hoa tiền thật dịp 8/3
Không thể ở bên mẹ trong dịp 8/3, Nguyễn Thị Thoa đặt làm bó hoa đính tiền mặt và mua bánh kem để chúc mừng.