Ở tuổi 43, Ashley Marrero (Mỹ) chưa kết hôn và không có con. Người phụ nữ cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại: đại diện bán hàng cho một nhà sản xuất thiết bị y tế với mức lương cao, theo Bloomberg.
Xa hơn, Ashley thích cảm giác tự do về lối sống và độc lập về chính. Cô sở hữu một căn hộ ở thành phố New York, một ngôi nhà trên bờ biển ở Jersey Shore (bang New Jersey) và thường xuyên đi du lịch để khám phá, thư giãn.
“Tôi yêu cuộc sống của mình và cảm thấy rất mãn nguyện", cô bày tỏ. Ít ai biết rằng vào năm 2018, Ashley từng đi đông lạnh trứng.
"Tôi yêu trẻ con và tất cả lũ trẻ là con của bạn bè tôi. Tôi chỉ không chắc mình có yêu cuộc sống của mình khi tôi sinh con hay không", cô giải thích.
Giống với Ashley, ngày càng đông phụ nữ chọn từ bỏ việc làm mẹ. Từ đó, nhiều người trong số họ đang thăng tiến xa hơn trong sự nghiệp của họ so với các thế hệ trước và trở nên giàu có hơn.
Theo nghiên cứu mới của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, phụ nữ độc thân, không có con có tài sản trung bình 65.000 USD vào năm 2019, so với 57.000 USD của đàn ông có hoàn cảnh tương tự. Ở nhóm mẹ đơn thân, con số này là 7.000 USD.
Tập trung vào bản thân
Ngay cả trước khi Covid-19 xuất hiện, chuyện kết hôn, sinh con đẻ cái vốn đã bị nhiều thanh niên và người trưởng thành từ chối. Khó khăn do dịch bệnh gây ra có phần đẩy nhanh xu hướng này.
Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm ngoái cho thấy 44% người Mỹ trong độ tuổi 18-49 chưa có con nói rằng họ không có kế hoạch sinh con trong tương lai gần, tăng 7% so với năm 2018.
Tỷ lệ sinh ở Mỹ đã giảm trong 30 năm qua khi mọi người kết hôn muộn hơn và không có con.
Năm 1990, có khoảng 71 ca sinh mỗi năm cho mỗi 1.000 phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi. Đến năm 2019, con số này đã giảm xuống gần 58 ca, theo một phân tích của Cục điều tra dân số. Đồng thời, tỷ lệ phụ nữ từ 25 đến 34 tuổi chưa có con đạt mức kỷ lục vào năm 2018.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng chi phí gia tăng trong việc nuôi dạy một gia đình là một yếu tố quan trọng trong quyết định sinh ít hoặc không có con của người Mỹ.
Theo Viện Brookings, chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ sinh từ năm 2015 trở đi đến năm 17 tuổi ước tính mất khoảng 310.605 USD. Với tốc độ lạm phát, con số tăng thêm khoảng 26.000 USD. Dự báo không bao gồm chi phí học đại học.
Ngoài chi phí nuôi dạy trẻ, còn những khoản khác phải xem xét.
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng phụ nữ đi làm phải chấp nhận "sự thiệt thòi khi làm mẹ" kể cả lúc mang thai hay sau khi sinh con.
Trong nghiên cứu thực hiện trước dịch bệnh, Julie Kashen, giám đốc phụ trách mảng bình đẳng kinh tế của phụ nữ tại tổ chức tư vấn Century Foundation, chỉ ra các bà mẹ bị giảm 15% thu nhập hàng năm cho mỗi đứa trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, các bà mẹ da màu và gốc Latin thường chịu rủi ro cao hơn các đồng nghiệp da trắng.
Thu nhập cao vẫn từ chối có con
Melissa Kearney, giáo sư kinh tế tại Đại học Maryland, cho rằng những thay đổi văn hóa cũng đang khiến phụ nữ trì hoãn hoặc bỏ qua việc làm mẹ.
Những người Mỹ là thanh niên trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 lớn lên, chứng kiến một loạt các tiêu chuẩn khác nhau về hai khía cạnh: phụ nữ có sự nghiệp và nhiệm vụ nuôi dạy con cái.
Kearney, giám đốc của Nhóm Chiến lược Kinh tế Aspen và là bà mẹ 3 con, cho biết: “Ưu tiên của mọi người đã thay đổi. Không hẳn là phụ nữ ít thích trẻ con hơn hay nguyên nhân là có con quá tốn kém, mất thời gian. Đó đơn giản là sự khác biệt giữa thế hệ hiện tại so với thế hệ trước".
Ashley, người đã kết hôn 4 năm trước khi ly hôn vào năm 2008, có mức độ độc lập tài chính ở mức cao. Năm 2019, cô bỏ ra 90.000 USD mua căn hộ riêng và tiến hành cải tạo.
Kristyna, chị gái của cô, cũng độc thân và không có con. Ashley cho biết cô đã thực hiện 10 chuyến đi trong 12 tháng qua, thường là với nhóm bạn khoảng 25 người, phần lớn chưa lập gia đình và chưa có con.
Anna Dickson (41 tuổi), người gần đây đi du lịch cùng Ashley, giữ chức vụ giám đốc sản phẩm tại Google, bày tỏ: "Tất cả người trong nhóm đều rất thông minh, tài năng và đều độc lập". Dickson cũng đã ly hôn và hiện sống với bạn trai ở Manhattan (New York).
“Mọi người cảm thấy ít có nghĩa vụ hơn đối với gia đình mà họ sinh ra", Nicole Sussner Rodgers, người sáng lập và giám đốc điều hành của Family Story, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington chuyên về nâng cao nhận thức về các lựa chọn thay thế cho cấu trúc gia đình truyền thống, lý giải.
Tuy vậy, cuộc sống mà Ashley và Dickson đã chọn cũng có những mặt hạn chế.
Những người độc thân và không có con phải trả nhiều thuế hơn. Việc tự mình mua nhà cũng khó hơn rất nhiều, đặc biệt là với giá nhà và tiền thuê nhà ở mức cao kỷ lục, cùng với tỷ lệ thế chấp gia tăng. Một nỗi lo khác đối với những người không có con cái là thiếu người chăm sóc họ lúc về già.
Nhưng đối với Dickson, những ưu điểm của việc làm cha mẹ không nhiều hơn khuyết điểm.
“Tôi thích đi du lịch và đi bất cứ khi nào tôi muốn. Tôi thà hối hận vì không có con còn hơn hối hận vì đã có chúng”, Dickson, người có các cuộc vui với đại gia đình và bạn bè của cô trong suốt năm qua, bày tỏ.
Về phần Ashley, cô vẫn trả tiền để bảo quản trứng trong trường hợp đổi ý. Nhưng nếu vẫn chọn không có con, người phụ nữ cũng không thấy hối hận.
“Nếu bạn không có con, đó là một lựa chọn và không liên quan gì đến chuyện bạn sẽ kém hạnh phúc đi. Bạn cũng có thể rất vui khi đi theo con đường đó", cô khẳng định.
Theo Zing