Theo đó, phụ nữ đã và đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động hội, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, sử dụng các website, mạng xã hội để tăng hiệu quả truyền thông, xây dựng mô hình hội viên 4.0...

Một trong những điển hình tiêu biểu, hiệu quả trong ứng dụng CNTT trong hoạt động hội là cách làm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Khâu Vai (Mèo Vạc) khi sử dụng video 2 thứ tiếng trong công tác tuyên truyền.

Chị Linh Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Khâu Vai chia sẻ: “Hội viên phụ nữ trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm đa số. Để tăng hiệu quả trong công tác truyền thông, Hội LHPN xã đã xây dựng các clip ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ bằng 2 thứ tiếng là tiếng phổ thông và tiếng Mông để tuyên truyền tại các chi hội, được chị em hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng.

Tại Cuộc thi Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội năm 2024 do T.Ư Hội tổ chức, sản phẩm của Hội LHPN xã Khâu Vai với chủ đề “Sử dụng video clip trong truyền thông tại chi hội” đã xuất sắc vượt qua hàng nghìn tác phẩm dự thi để giành giải Nhất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ứng dụng CNTT, sử dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội trong công tác truyền thông để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động hội”.

Phụ nữ người Dao thôn Nà Màu, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) livestream bán chè Shan tuyết trên các nền tảng số.
Phụ nữ người Dao thôn Nà Màu, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) livestream bán chè Shan tuyết trên các nền tảng số.

Thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS) và chủ đề năm 2024 là “Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động hội”, Hội LHPN các cấp chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và Nghị quyết Hội LHPN các cấp bằng nhiều hình thức đa dạng, kết hợp giữa truyền thông truyền thống và truyền thông hiện đại trên các nền tảng số.

Nếu trước đây, việc triển khai nghị quyết mất nhiều thời gian, chi phí văn phòng phẩm, số lượng người tham gia học tập hạn chế, thì nay, nghị quyết được chuyển tải trực tiếp tới hội viên ở cơ sở thông qua hội nghị trực tuyến 3 cấp; các tài liệu được đăng tải kịp thời trên các trang website, fanpage, zalo của hội, tạo sự lan tỏa, tin cậy, nhanh chóng và chính thống trên môi trường số.

Đặc biệt, với vai trò là thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội quán triệt 100% cán bộ, công chức, đảng viên, hội viên, phụ nữ tuyên truyền về công tác CĐS, Luật Căn cước công dân, kích hoạt, đăng ký tài khoản định danh điện tử, cập nhật dữ liệu hội viên vào hệ thống hội, đồng bộ dữ liệu người tham gia BHYT, BHXH với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cài đặt ứng dụng VNeID, sổ sức khỏe điện tử.

Cùng với đó, phát huy lợi thế của các nền tảng mạng xã hội, hàng năm Hội LHPN tỉnh tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” kết hợp tổ chức thi trực tuyến ý tưởng/sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ đăng tải trên facebook “Phụ nữ tỉnh Hà Giang” và fanpage “Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang” với 22 ý tưởng tham gia dự thi cấp tỉnh thu hút trên 4.000 lượt chia sẻ và trên 5.000 lượt tương tác.

Tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp và điều lệ Hội LHPN Việt Nam trên phần mềm thi trắc nghiệm của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với hàng nghìn lượt hội viên tham gia. 100% hội nghị, tập huấn thực hiện việc quét mã QR-code để nhận tài liệu thay thế văn bản giấy.

Duy trì hệ thống mạng LAN nội bộ cơ quan, kết nối máy tính cán bộ các phòng, ban chuyên môn phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành; gửi, nhận văn bản trên phần mềm hệ thống văn bản và quản lý điều hành VNPT-iOffice và thực hiện chữ ký số. 100% cán bộ Hội LHPN các cấp được cấp hòm thư điện tử công vụ, được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về phần mềm quản lý cán bộ, hội viên, kiến thức, kỹ năng vận hành, khai thác ứng dụng CNTT.

Trang thông tin điện tử, fanpage, zalo của hội hoạt động hiệu quả với hàng nghìn tin, bài, ảnh được đăng tải, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên tìm kiếm, nghiên cứu văn bản, tài liệu liên quan đến chính sách tín dụng, bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ, việc làm, các mô hình hay, cách làm mới từ cơ sở để học tập kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn.

Đặc biệt, nhiều mô hình, cách làm mới về CĐS được hội viên, phụ nữ tích cực tham gia như: Thanh toán không dùng tiền mặt, chợ 4.0, đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, thu hút hội viên trên không gian mạng” cho nhóm nữ tiểu thương, phụ nữ đi làm ăn xa.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Trần Thị Yến Nga chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong công tác CĐS của phụ nữ là nhiều hội viên, phụ nữ người dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn khó khăn, thường xuyên sử dụng tiếng dân tộc, chưa biết chữ phổ thông, ít tiếp cận công nghệ thông tin, thiếu phương tiện như điện thoại thông minh, máy tính, một số thôn chưa có điện lưới, sóng điện thoại...

Trong thời gian tới, để hỗ trợ phụ nữ tham gia các nền tảng số góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu xã hội số, Hội LHPN tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về vai trò của CĐS; ứng dụng CNTT, mạng xã hội trong hoạt động hội; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực về CNTT cho cán bộ hội các cấp; hỗ trợ hội viên đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đăng ký mã truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chợ 4.0”.

Theo BIỆN LUÂN (Báo Hà Giang)