Buôn bán vất vả hơn sau mùa dịch 

Với chiếc xe bán nước giải khát và đồ ăn vặt đơn sơ đặt trên đường Ba Vân, phường 14, quận Tân Bình, cô Lê Thị Yến (55 tuổi) là trụ cột kinh tế trong gia đình có 5 người. Một tay cô nuôi hai con trai khôn lớn. Gia đình có bữa đủ đầy, có bữa thiếu thốn. Con trai cả của cô Yến giờ đã có gia đình riêng, nhưng cả 2 vợ chồng làm du lịch và vừa trải qua 2 năm thất nghiệp, khả năng kinh tế chỉ vừa đủ lo cho gia đình nhỏ. Con trai út vừa bước chân vào giảng đường đại học, gánh nặng kinh tế càng thêm đè nặng lên đôi vai người phụ nữ nhỏ. 

Cô Yến cho biết gian hàng nhỏ của mình chủ yếu bán cho HSSV và người lao động với mức giá bình dân. Thời gian trước, cô buôn bán khá ổn định. Tuy nhiên, việc kinh doanh đang ngày càng trở nên khó khăn hơn sau khi trải qua nhiều đợt dịch Covid-19. 

Cô Yến trải lòng: “Do dịch bệnh, kinh tế ai cũng đi xuống nên tình hình buôn bán khó khăn hơn hồi trước. Mà qua dịch, vợ chồng con trai lớn tôi có em bé, thằng nhỏ thì mới nhập học Đại học Bách Khoa nên quá nhiều chi phí phát sinh. Mình tôi phải lo cho 4 miệng ăn trong nhà. Hôm nào may thì bán được 1 - 2 triệu, nhưng trừ hết các chi phí cũng không còn nhiều. Gặp bữa mưa, nắng ế khách có khi lời được có mấy chục ngàn. Tôi lo đến mất ngủ”. 

Sau mùa dịch, quán ăn gia đình của mẹ con cô Lê Thị Kim Anh (62 tuổi) cũng gặp tình trạng chật vật tương tự. Gia đình cô bày biện quầy và bàn ghế ngay trước nhà ở quận Phú Nhuận, kinh doanh các món “sợi và nước” truyền thống của Việt Nam như: bún riêu, bánh canh, nui, hủ tíu…, món ăn thay đổi theo từng ngày. Dù đã buôn bán rất lâu nhưng cô Kim Anh từ trước đến nay vẫn vận hành quán ăn theo cách truyền thống. Cô là người đứng bếp, chuẩn bị thức ăn cho khách và con gái là người phụ giúp bưng bê, dọn dẹp, kiêm luôn thu tiền. 

Cô Kim Anh kể thời gian giãn cách xã hội, vì sợ mình lớn tuổi khi tiếp xúc với khách hàng có thể nhiễm Covid-19, nên gia đình cô quyết định đóng hẳn quán, do đó mất đi nguồn thu lớn. Mọi chuyện càng trở nên khó khăn hơn khi quán mở rồi mà người dân vẫn ngại ra ngoài ăn uống. Nhà cô chủ yếu chỉ bán được cho khách quen trong khu vực.

Gỡ khó cho phụ nữ khi đưa hàng, quán lên online 

Nhận thấy việc kinh doanh không còn được như xưa, sức khỏe cũng đi xuống khi bước sang độ tuổi trung niên, cô Yến vài lần nghĩ đến chuyện buôn bán online để mở rộng khách hàng, bớt phải làm phiền bạn hàng canh xe rồi chạy ngược chạy xuôi giao đồ uống cho khách. Tuy nhiên, vì không biết nhiều về công nghệ và cách vận hành của các ứng dụng dịch vụ đặt thức ăn online, cô Yến cho biết bản thân lo sợ và “lấn cấn” mãi không dám đăng kí. Các con trai cũng không dám cho cô mở bán trên mạng vì sợ mẹ không hiểu biết, dễ bị lừa. 

Trong khi đó, mẹ con cô Lê Thị Kim Anh lại e dè việc đưa quán lên bán online khi mù mờ về cách định giá sản phẩm và tính chiết khấu của các ứng dụng đặt, giao thức ăn trực tuyến. Cô Kim Anh cho biết cả hai mẹ con đều không biết gì về các app đặt đồ ăn. 

“Tôi cũng lớn tuổi rồi, điện thoại chủ yếu chỉ biết nghe và gọi chứ ba vụ công nghệ này thì “lúa” lắm. Ở nhà đã từng sử dụng qua dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến, cảm thấy rất tiện, nhưng khi nghĩ tới chuyện đăng kí trở thành đối tác quán của các ứng dụng thì lại không biết bắt đầu từ đâu, cũng không biết nhờ ai chỉ mình”, bà chủ 62 tuổi nói. 

Còn rất nhiều trường hợp tương tự như như cô Yến hay cô Kim Anh. Họ, những người phụ nữ làm chủ các hàng quán nhỏ hay siêu nhỏ, thường phải một thân một mình cáng đáng hết mọi khâu trong việc buôn bán. Bên cạnh quán xuyến kinh doanh, họ còn tất bật với công việc của một người vợ, người mẹ. Nhiều chị em phụ nữ muốn tìm hiểu việc kinh doanh online để cải thiện kinh tế đồng thời có thêm thời gian để chăm sóc cho gia đình nhưng chưa biết nên làm gì trước, làm gì sau.

Nhằm gỡ khó cho nhóm đối tượng này, tháng 11/2022, Gojek đã hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức một khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh cho 200 phụ nữ đang làm chủ các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào các chủ đề lập kế hoạch tài chính, quản lý kinh doanh và cách vận hành một cửa hàng trực tuyến. 

Đây là một phần của dự án “Quán nhỏ vượt sóng to”, một sáng kiến toàn diện của Gojek nhằm hỗ trợ các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ cải thiện sinh kế nhờ chuyển đổi số. Được tham gia khóa học, cô Yến, cô Kim Anh và nhiều học viên khác được trang bị nhiều kiến thức mới, đầu óc cởi mở hơn, và tự tin hơn để bắt tay vào việc đưa cửa hàng của mình lên bán trên nền tảng online. 

Dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” của Gojek góp phần hỗ trợ các cửa hàng nhỏ phục hồi, phát triển ổn định sau đại dịch

“Học xong mới thấy trước giờ khi buôn bán mình không có tính kỹ, toàn ước chừng. Nhưng qua khóa học này, tôi đã biết mình phải ghi chép, theo dõi những gì để biết mình lời lỗ như thế nào”, cô Yến hào hứng cho hay. 

 Hợp tác với nền tảng GoFood của Gojek, cô Yến mong rằng cửa hàng sẽ có nhiều khách hàng biết đến hơn, qua đó cải thiện thu nhập và điều kiện kinh tế cho cả gia đình

Bên cạnh các khóa học kỹ năng, Gojek còn xây dựng một thư viện thông tin miễn phí bao gồm các kiến thức, kỹ năng và công cụ về tài chính và công nghệ, nhằm giúp hàng chục nghìn cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam khởi nghiệp và phát triển kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực ẩm thực.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các học viên có thể tự mở một cửa hàng kinh doanh ẩm thực trên GoFood - nền tảng giao đồ ăn trực tuyến của Gojek, để có thể tiếp cận hàng triệu người đang sử dụng ứng dụng Gojek tại Việt Nam. Ngoài ra, Gojek sẽ góp phần thúc đẩy hành trình kinh doanh trực tuyến của các cửa hàng này thông qua các chương trình hỗ trợ dành riêng cho từng cửa hàng, các hoạt động truyền thông tiếp thị cùng các đãi ngộ về phí dịch vụ.

Quỳnh Anh