Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam (1930-2020), trả lời phỏng vấn của Báo PNVN, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga khẳng định, kể từ khi có tổ chức Hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy được vai trò, vị thế, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước; đồng thời phụ nữ cũng được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển đó. Chúng ta tự hào về truyền thống để tự tin hội nhập với khát vọng vươn lên.
6 mốc son của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ khi có Đảng
PV: Xin Chủ tịch cho biết một số mốc son trong chặng đường vẻ vang 90 năm qua của Hội LHPN Việt Nam?
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Trong 90 năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thật khó để nêu hết các mốc son trong chặng đường 90 năm đó nên tôi chỉ xin điểm một số dấu mốc gắn với lịch sử đất nước và dân tộc kể từ khi có Đảng.
Tháng 10 năm 1930, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như "phụ nữ hiệp hội" và đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Đây là mốc son đầu, đánh dấu quá trình hình thành các tổ chức của phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngày 16/6/1941, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được thành lập và vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.
Ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ nền tảng là nhiều đoàn thể phụ nữ mà Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức nòng cốt. Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm lễ ra mắt tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội. Từ đây, tên gọi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức ra đời, là tổ chức nòng cốt của phong trào phụ nữ Việt Nam.
Ngày 8/3/1961, để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong một giai đoạn mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập nhằm đoàn kết, tập hợp phụ nữ miền Nam trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn đặc biệt từ 1961 đến 1975, hai tổ chức phụ nữ ở 2 miền đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như phong trào "5 tốt"; phong trào "Ba đảm đang"; phong trào "Tất cả vì miền Nam ruột thịt"; phong trào "Kết nghĩa Bắc Nam"...
Ngày 10-12/6/1976, Hội nghị hợp nhất 2 tổ chức Hội. Từ đây, Hội ngày càng lớn mạnh, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và kế thừa các thành quả to lớn của phong trào phụ nữ để không ngừng đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và chức năng đại diện của tổ chức Hội.
Ngày 19-20/5/1987, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VI đánh dấu những đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động gắn với yêu cầu đổi mới của đất nước, chú trọng các hoạt động thiết thực với đời sống của phụ nữ. Hai cuộc vận động "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình" và "Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học" thời gian đó và sau này là nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực đã góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và cải thiện những tồn tại xã hội trong văn hóa, giáo dục, nâng tỷ lệ biết chữ, nâng cao trình độ văn hóa.
Nhìn lại một số mốc son trong lịch sử Hội, chúng ta càng thêm tự hào và thấy được trách nhiệm của mình phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xây dựng tổ chức Hội thực sự là tổ chức tiên phong vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ, là cầu nối tin cậy giữa Đảng và các tầng lớp phụ nữ Việt Nam.
Đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TƯ và đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPNVN, trao Bằng khen cho các tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020 của Hội LHPN Việt Nam. Ảnh: Dương Hà
Đồng hành cùng phụ nữ phát triển
PV: Những đóng góp của phụ nữ Việt Nam vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là rất to lớn. Vậy trong sự phát triển chung của đất nước, phụ nữ được hưởng những thành quả từ sự phát triển đó như thế nào?
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Lịch sử đã ghi nhận những tấm gương phụ nữ anh hùng từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu trên thớt voi ra trận tới những người mẹ Việt Nam anh hùng, nén đau thương tiễn con lên đường chống ngoại xâm, ở lại quê nhà thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Ngay cả đến hôm nay khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, đây đó chúng ta vẫn còn thấy hình ảnh của những người con gái một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Họ đã để lại thanh xuân nơi chiến trường và cả máu xương trong lòng đất mẹ. Đây là tiền đề góp phần tạo nên một Tổ quốc Việt Nam anh hùng, hòa bình, độc lập, bình đẳng và phát triển hôm nay.
Cùng với những cống hiến không mệt mỏi của phụ nữ cho hòa bình và thống nhất nước nhà, phụ nữ cũng được hưởng các thành tựu trong sự phát triển chung của đất nước. Nếu như trước Cách mạng, hơn 90% dân số mù chữ thì đến nay, tỷ lệ phụ nữ biết chữ là 94,6%. Tỷ lệ nhà khoa học nữ cũng tăng dần qua từng năm, đạt mức 44,2% thạc sỹ và 28% tiến sỹ là nữ tại thời điểm hiện nay.
Với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước vào y tế, hiện nay phụ nữ Việt Nam đang được hưởng các dịch vụ y tế ngày càng cải thiện. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ đạt 76,3 tuổi, khá cao so với các nước cùng mức độ phát triển kinh tế.
Trong lĩnh vực chính trị, nhiều nhiệm kỳ, Việt Nam luôn có nữ Phó Chủ tịch nước và đặc biệt, hiện nay có 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị, có Chủ tịch Quốc hội là nữ cùng nhiều chị đảm nhiệm các vị trí quan trọng ở Trung ương và địa phương. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á.
Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ khoảng 20% và tăng đều hàng năm. Việt Nam là một trong 20 thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi và mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN và có nhiều doanh nhân nổi tiếng, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, dù xét về chỉ số phát triển con người (HDI) chúng ta ở hạng mục phát triển con người cao thứ hai nhưng về chỉ số phát triển giới (GDI), chúng ta thuộc nhóm đứng đầu, giá trị phát triển giới của nước ta cao hơn giá trị trung bình của các quốc gia phát triển con người cao. Đây là một thành tích rất đáng tự hào.
Chiến tranh bom đạn đã lùi xa nhưng cuộc chiến trên diễn đàn kinh tế và văn hóa vẫn còn đang tiếp tục. Vượt lên những khó khăn muôn trùng, tiếp nối truyền thống của những thế hệ đi trước, phụ nữ Việt Nam đang là nguồn lực quan trọng vừa thụ hưởng những thành quả của sự phát triển vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay.
PV: Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và không ít thách thức. Vậy đâu là những vấn đề đang đặt ra với phụ nữ Việt Nam hiện nay?
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận nhưng hiện nay, tốc độ thu hẹp khoảng cách giới không bắt kịp với sự thăng hạng về kinh tế (chỉ số khoảng cách giới năm 2019 tụt 10 bậc trong khi chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc). Đó là vì tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo tại các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa tương xứng với số lượng, tiềm năng của lực lượng lao động nữ. Tỷ lệ nữ qua đào tạo thấp, ảnh hưởng đến khả năng hội nhập và tận dụng các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Định kiến giới và khuôn mẫu giới vẫn đang tồn tại dai dẳng là nguyên nhân chính của bạo lực trên cơ sở giới như bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh, nạn tảo hôn, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái. Định kiến giới ngay trong bản thân phụ nữ cũng tạo ra sự mất cân bằng trong chia sẻ lao động việc nhà, khiến phụ nữ thiếu thời gian để nghỉ ngơi và nâng cao trình độ. Theo số liệu năm 2017, mỗi tuần phụ nữ dành 19,7 giờ cho lao động được trả công trên thị trường và 38,7 giờ cho việc gia đình không được trả công, trong khi con số này ở nam giới là 25,1 giờ và 26,2 giờ.
Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta có hệ thống pháp luật về bình đẳng giới khá tốt nhưng việc thực thi trên thực tế vẫn còn có lúc, có nơi chưa hiệu quả.
PV: Trước những vấn đề này, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ có những hoạt động nào để tập hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ phát triển?
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Hiện nay các cấp Hội đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội phụ nữ các cấp trong năm 2021, tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII vào năm 2022. Trong quá trình chuẩn bị, cán bộ, hội viên, phụ nữ sẽ thảo luận dân chủ, rộng rãi để có thể xác định các phong trào thi đua, cuộc vận động phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng cũng như nền kinh tế đang chuyển đổi số. Nhưng dù là phong trào hay cuộc vận động nào thì các cấp Hội vẫn sẽ tập trung vào yếu tố sống còn của tổ chức là hội viên, phụ nữ, lấy niềm tin, sự hài lòng của phụ nữ đối với tổ chức làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động Hội.
Chiến lược phát triển của tổ chức Hội cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực của tổ chức Hội, phát huy tính tự chủ, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ, huy động sự tham gia của toàn xã hội vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ và sự thịnh vượng của đất nước. Phấn đấu đến năm 2035 khẳng định vị thế là tổ chức tiên phong hành động vì bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ Việt Nam có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam