Nằm cách trung tâm tỉnh Yên Bái 80 km về phía Tây, thung lũng Mường Lò được biết đến là một trong bốn cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc. Nơi đây nổi tiếng là vùng “gạo trắng, nước trong”, địa bàn cư ngụ đông đúc và lâu đời của người Thái với nhiều nét văn hóa độc đáo riêng có. Tận dụng lợi thế đó, nhiều người đã chuyển hướng sang làm dịch vụ du lịch, homestay, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo thống kê, năm 2023, thị xã Nghĩa Lộ đón trên 300.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế 26.000 lượt người, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 275 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Để đạt được những thành công này không thể không kể tới những tấm gương phụ nữ tiên phong làm du lịch cộng đồng, giúp phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giúp địa phương gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống.
Là một trong những người đầu tiên phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ, những ngày đầu, bà Hoàng Thị Phượng, người dân tộc Thái, gặp không ít khó khăn nhưng với sự tâm huyết, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của mình, Homestay Luật Phượng, xã Nghĩa An do bà làm chủ ngày càng được nhiều người biết đến. Hơn 10 năm qua, cơ sở Homestay của bà đã xây dựng được thương hiệu riêng, tạo được uy tín với các công ty du lịch lữ hành trong và ngoài nước. Nhờ đó, mỗi năm gia đình chị đã đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước, chủ yếu là người Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan…
Bà Phượng chia sẻ, năm đầu mới mở, lượng khách đến rất thưa thớt vì chưa nhiều người biết. Sau đó, nhờ chú trọng việc giới thiệu trên mạng xã hội facebook, zalo và ngành chức năng của thị xã hỗ trợ quảng bá nên lượng khách đến ngày càng đông hơn. Homestay phát triển giúp gia đình bà Phương thu về hàng trăm triệu mỗi năm, cùng với đó là tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động là người dân tộc Thái với mức thu nhập ít nhất là 5 triệu đồng.
Liên tục bận bịu chốt phòng cho khách qua Zalo, Facebook, chị Hà Thị Chinh, người dân tộc Thái, chủ homestay Cương Chinh, gần như chẳng có lúc nào ngơi tay.
“Gia đình tôi hiện quảng bá sản phẩm du lịch của nhà mình và địa phương trên các nền tảng như Facebook, Zalo, đôi khi cũng sử dụng cả Tik Tok. Nhờ đó mà các sản phẩm của chúng tôi tiếp cận được đông đảo du khách trong và ngoài nước. Từ khi có các trang quảng bá này cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, lượng khách tới homestay của gia đình tôi đã cải thiện rõ rệt. Trung bình mỗi năm nhà tôi đón 3.000-4.000 khách, trong đó du khách nước ngoài chiếm tới 40%”, chị Chinh chia sẻ.
Kể từ khi mạnh dạn chuyển hướng từ nông nghiệp sang phát triển homestay, cuộc sống của gia đình chị Chinh đã thay đổi hoàn toàn. Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, homestay của chị Chinh còn tạo thêm việc làm cho 5-6 lao động, chủ yếu là chị em người dân tộc Thái trên địa bàn.
Hiện nay, Yên Bái đang đẩy mạnh việc thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh quảng bá du lịch qua mạng xã hội.
Trong thời gian qua, bên cạnh 2 website của đơn vị, Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch đã lập mới và đưa vào hoạt động 3 ứng dụng quảng bá du lịch gồm Zalo, Youtube, TikTok. Qua đó, nâng tổng số các trang mạng quảng bá du lịch Yên Bái lên tổng số 5 ứng dụng gồm: Fanpage Thông tin du lịch Yên Bái, Facebook Trung tâm Du lịch Yên Bái, TikTok Thông tin du lịch Yên Bái, Zalo Thông tin du lịch Yên Bái, Youtube Du lịch Yên Bái.
Việc ứng dụng nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch đã lan tỏa hình ảnh, điểm đến, văn hóa, con người Yên Bái đến với du khách và thu hút du khách đến với Yên Bái. Trung tâm đã thay đổi giao diện, nâng cấp, bố cục lại các tính năng quảng bá của website http://dulichyenbai.gov.vn đảm bảo phù hợp tình hình thực tế để du khách dễ dàng tiếp cận thông tin, góp phần đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.