Nhiều thôn, bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ...

Phú Thọ là tỉnh miền núi có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó DTTS chiếm 17% dân số toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thuỷ…

Cách đây khoảng hơn chục năm trước, ở khu vực miền núi tỉnh Phú Thọ, tại nhiều thôn, bản vẫn còn tình trạng “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ. Nhưng từ cuối năm 2013, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thành lập được chi bộ, chấm dứt tình trạng khu dân cư “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ, nhất là tại những thôn, bản đặc biệt khó khăn có đông đồng bào DTTS ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập.

Trước tình hình này, để làm tốt công tác phát triển đảng viên, năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên giai đoạn 2016-2020. 

Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức cơ sở đảng, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Phú Thọ kết nạp được trên 13.400 đảng viên, vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó có 2.171 đảng viên là người DTTS. Nhiều chi bộ, đảng viên ở vùng có đông đồng bào DTTS đã phát huy được vai trò, trở thành điểm sáng.

Đến hết năm 2019, tổng số đảng viên người DTTS trong toàn tỉnh là 11.892/104.183 đảng viên.

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ, đến cuối tháng 4/2023, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 500 đảng viên mới, trong đó có 98 đảng viên người DTTS. Phần lớn các đảng viên mới kết nạp trong độ tuổi từ 18-35.

Huyện Tân Sơn tổ chức lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng để tạo nguồn đảng viên trẻ kế cận.

Chúng tôi về huyện miền núi Yên Lập, nơi có 17 dân tộc sinh sống, trong đó DTTS chiến tới trên 80%.

Nhiều năm trước, công tác phát triển Đảng ở đây gặp nhiều khó khăn. Một số thôn, bản chưa có tổ chức Đảng, số chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên chiếm tỉ lệ cao.

Tuy nhiên, đến năm 2020, Đảng bộ huyện Yên Lập đã có 5067 đảng viên, trong đó đảng viên là người DTTS chiếm gần 70%. Nhiệm kì năm 2015-2020, bình quân mỗi năm, mỗi Đảng bộ kết nạp được 180 đảng viên.

Hiện nay, huyện Yên Lập có tổng số 5371 đảng viên, trong đó, đảng viên là người DTTS có 3613 người, chiếm trên 67%.

Có được kết quả đó là nhờ Ban thường vụ Huyện uỷ Tân Lập xác định công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Do đó, Ban thường vụ Huyện uỷ đã đổi mới phương pháp bằng cách giao chỉ tiêu tạo nguồn, yêu cầu các cơ sở Đảng rà soát đối tượng, phân công đảng viên, cấp uỷ viên phụ trách quần chúng và phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể lựa chọn quần chúng tiêu biểu để bồi dưỡng, giáo dục, thử thách.

Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng tại trung tâm các xã để tạo nguồn. 

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể như nông dân, phụ nữ, giáo viên, đoàn viên thanh niên… cũng lựa chọn những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng tạo nguồn.

Số lượng đảng viên người DTTS ngày càng tăng

Đơn cử như xã Trung Sơn, là xã miền núi cuối cùng của tỉnh Phú Thọ được xóa “trắng” đảng viên. Trước đây có những thời điểm xã không kết nạp được đảng viên, một vài chi bộ cả nhiệm kỳ không tạo được nguồn để kết nạp. 

Tuy nhiên những năm gần đây, công tác phát triển đảng đã có sự thay đổi, năm 2020, xã kết nạp vượt chỉ tiêu 3 đảng viên. Tính đến nay, Đảng bộ xã Trung Sơn có 20 chi bộ với 208 đảng viên.

Ngoài Trung Sơn, nhiều địa phương trong huyện cũng có số lượng đảng viên là người DTTS chiếm tỉ lệ cao, như xã Hưng Long hiện có 317 đảng viên, trong đó có 179 đảng viên là người DTTS; xã Lương Sơn có 297 đảng viên, xã Mỹ Lung có 274 đảng viên;…. 

Còn huyện Thanh Sơn, nơi có tỉ lệ đồng bào dân tộc chiếm trên 61% dân số của huyện. Trước năm 2016, huyện có 46 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở nhiều năm không kết nạp được đảng viên; 6 chi bộ không đủ đảng viên phải chuyển đảng viên chi bộ khác về sinh hoạt ghép. 

Trước thực trạng đó, Ban thường vụ Huyện ủy Thanh Sơn đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở huyện, giai đoạn 2016-2020”, trong đó có đề cập đến vấn đề phát triển đảng viên. 

Sau 5 năm thực hiện, đến cuối năm 2020, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 1.035 đảng viên, trong đó đảng viên là người DTTS có 539 đồng chí, chiếm 52,1%. 

Điều đáng nói là 39/46 chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên thì năm 2020 đã kết nạp được tổng số 79 đảng viên; 5/6 chi bộ phải chuyển đảng viên từ nơi khác về sinh hoạt ghép cũng đã kết nạp được đảng viên. 

Xã Xuân Sơn có 5 dân tộc sinh sống chiếm hơn 90% dân số trong toàn xã. Để “giữ chân” lực lượng trẻ, qua đó tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp cho Đảng, xã xây dựng các mô hình thử nghiệm phát triển kinh tế vườn trại ngay tại địa phương, tạo điều kiện để người trẻ lập nghiệp, vươn lên làm giàu tại quê hương. (Ảnh: Hải Yến)

Tại huyện Tân Sơn, Đảng bộ huyện Tân Sơn hiện có 34 chi, đảng bộ cơ sở, để nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ở cơ sở, hàng năm huyện đều mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng nghiệp vụ cho các đồng chí Bí thư chi bộ, chi ủy viên, đồng thời chỉ đạo các đồng chí cấp ủy huyện và cơ sở tham dự sinh hoạt cùng các chi bộ nên chất lượng sinh hoạt hiệu quả hơn. 

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Sơn Đặng Văn Quyết, cho biết, Xã Xuân Sơn có 5 dân tộc sinh sống chiếm hơn 90% dân số trong toàn xã.

“Trước đây, một số bản của xã gần như trắng về đảng viên, nhưng từ năm 2000, khi xã Xuân Sơn thành lập Đảng bộ đầu tiên thì việc phát triển Đảng viên tại các bản bắt đầu phát triển, số lượng đảng viên ngày một tăng, nhất là từ năm 2005. 

Đến nay, xã Xuân Sơn có 8 chi bộ, với 120 đảng viên. Trong đó chi bộ bản Cỏi có số lượng đảng viên cao nhất trong toàn xã với 24 đồng chí, chiếm 10%”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Sơn cho hay.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Sơn, hiện nay, công tác phát triển đảng viên cũng gặp khó khăn, đó là người trẻ sau khi học xong lại tiếp tục theo học các trường nghề, học đại học, đi xa lập nghiệp ít trở về địa phương. Vì thế chỉ còn lại lực lượng lao động thuần tuý ở địa phương, điều này đã gây khó khăn trong việc phát triển đảng viên.

“Để khắc phục những khó khăn này, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao trình độ dân trí, chúng tôi đã xây dựng các mô hình thử nghiệm phát triển kinh tế vườn trại ngay tại địa phương.  

Đồng thời mở các lớp đào tạo nghề, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, phát động các phong trào thanh niên sáng tạo khởi nghiệp, giúp thanh niên bám trụ lại quê hương, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu. 

Đây cũng là giải pháp để xã “giữ chân” lực lượng trẻ, qua đó tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp cho Đảng”, ông Quyết nhấn mạnh.

Hải Yến