Bài 1: Huy động nguồn lực tập trung đầu tư mạnh hạ tầng vùng đồng bào DTTS
Phú Thọ là tỉnh miền núi, tỷ lệ người DTTS chiếm 17,15% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 58 xã thuộc khu vực I, II, III địa bàn miền núi và 70 thôn đặc biệt khó khăn, tập trung ở các huyện: Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Thủy.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của người DTTS trong tỉnh khoảng 34,9 triệu đồng, tăng 31,4332 triệu đồng so với năm 2004. Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS năm 2021 bằng 37,68% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Phú Thọ đã quan tâm bố trí nhiều nguồn lực, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào DTTS trong toàn tỉnh ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh huy động nguồn lực cho địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi được hơn 5.011 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 636 tỉ đồng, ngân sách địa phương hơn 1.492 tỉ đồng, tín dụng trên 1.245 tỉ đồng, huy động và lồng ghép gần 1.638 tỉ đồng.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đặt mục tiêu 100% xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; trên 80% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ Trịnh Thế Truyền cho biết, tổng số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện CTMTQG trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 là trên 3.612 tỉ đồng.
Riêng năm 2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho chương trình này là gần 1.238 tỉ đồng, đã giải ngân trên 27% tính đến cuối tháng 10/2022. Đây là một trong những điều kiện, động lực mới để các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, thi đua phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đổi thay diện mạo, bộ mặt nông nghiệp nông thôn, nhất là nông thôn miền núi.
Địa phương quyết liệt vào cuộc
Việc các địa phương trong toàn tỉnh quyết liệt vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn thực hiện các CTMTQG trên địa bàn sẽ góp phần phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của người dân, từng bước giảm nghèo bền vững, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS ở Phú Thọ.
Vượt qua đoạn đường dài của Quốc lộ 32, đoàn công tác của Báo VietnamNet đặt chân đến mảnh đất miền núi huyện Tân Sơn, nơi hiện có 26 dân tộc đang cùng sinh sống, chiếm trên 83% dân số.
Các xã của huyện Tân Sơn hôm nay đang đổi thay nhanh chóng. Hiệu quả của các chương trình giảm nghèo thể hiện qua những con đường bê tông chạy dài liên thôn, liên bản; những nóc nhà mái bằng, nhà cao tầng được xây dựng vững chãi; hệ thống các trường học khang trang, sạch đẹp; cầu cống cùng đường điện hạ thế và các công trình trạm y tế, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, chợ, thuỷ lợi, kênh mương, hồ đập được đầu tư kiên cố….
Thành quả này là nhờ những kết quả đã đạt được từ chương trình trình 30a, 135 và tiếp nối là CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện đang được triển khai.
Bước sang giai đoạn mới, Tân Sơn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng vốn đầu tư giai đoạn này là trên 343,5 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 312 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh trên 31 tỉ đồng.
Một trong những khâu đột phá của huyện đề ra là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Huyện sẽ tập trung đầu tư, xây dựng một số các công trình trọng điểm trong giai đoạn này là: Cầu vượt lũ tại các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn, Lai Đồng khắc phục tình trạng bị cô lập, chia cắt vào mùa lũ cho 20.000 người dân với tổng vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng; dự án đường giao thông nối Vườn Quốc gia Xuân Sơn với xã Long Cốc có tổng chiều dài 16km với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; Trường Mầm non Tân Phú với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 8/2023; chỉnh trang khu trung tâm huyện lỵ Tân Sơn bao gồm đường nội thị, các công trình công cộng, các thiết chế văn hóa sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng.
Các công trình trọng điểm được đầu tư, xây dựng sẽ tạo ra sự kết nối giao thông giữa các địa phương, thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tiềm năng, thế mạnh của huyện được khai thác, tận dụng triệt để; giáo dục được chú trọng sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn lao động, làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội.
Tương tự như Tân Sơn, huyện miền núi Thanh Sơn cũng đang ngày càng trù phú. Toàn huyện có 32 dân tộc, trong đó dân tộc Mường chiếm 56,79%; dân tộc Kinh chiếm 38,56%; dân tộc Dao 3,36%; còn lại là các dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Thổ, Hmông,….
Những năm qua, việc phát triển kinh tế- xã hội giữa các xã trong huyện chưa đồng đều. Để khắc phục tình trạng này, huyện Thanh Sơn xác định việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các địa phương là một trong những mục tiêu của huyện nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các xã.
Chính vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã đầu tư trên 5.800 tỉ đồng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong 2 năm 2020 – 2021, huyện đã huy động cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hơn 3,5 nghìn tỉ đồng, triển khai 159 công trình; làm mới trên 12km đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp trên 159km đường, tỉ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn trên toàn huyện đạt 75%; xây mới 46 chiếc cầu, 69/77 trường công lập đạt chuẩn quốc gia…
Còn ở huyện Yên Lập, để thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện được giao dự toán bổ sung gần 58 tỉ đồng.
Được biết, chính quyền huyện Yên Lập sẽ ưu tiên thực hiện các dự án, tập trung vào nhóm các công việc như quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; đầu tư cơ sở hạ tầng và cải tạo nâng cấp các tuyến đường trọng yếu, đường giao thông nông thôn; phát triển giáo dục đào tạo, đầu tư xây dựng trường học dân tộc bán trú cho con em đồng bào DTTS; và việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch…
>>> Bài 2: Nỗ lực thoát nghèo, bản xa bừng sức sống mới