Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa pháp luật đi vào đời sống, thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tăng cường tổ chức với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Từ đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Có mặt tại một buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở xã Xuân Thuỷ, huyện Yên Lập, do Hội Phụ nữ xã tổ chức, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy cả hội trường nhà văn hoá thu hút rất nhiều người dân trong xã, nhất là các chị em phụ nữ đến tham dự.

Tại đây, các hội viên phụ nữ và người dân trong xã đã được nghe tuyên truyền về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này; đồng thời các chị em cũng được thông tin về các chính sách, pháp luật có liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số; bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số; việc chăm sóc và giáo dục trẻ em… 

tuyen-truyen-phap-luat-phu-tho-1.jpg
Buổi tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Xuân Thuỷ, huyện Yên Lập thu hút các chị em phụ nữ tham gia. 

Sau khi nghe nói chuyện về vấn đề tảo hôn, chị Nguyễn Thị Loan (xã Xuân Thuỷ) cho biết, “qua hội nghị này tôi được biết thêm nhiều thông tin, kiến thức về tảo hôn, những hệ lụy từ nạn tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống. Sau buổi này tôi sẽ về phổ biến cho các con và gia đình nghe để mọi người cùng hiểu và thực hiện, không kết hôn trước tuổi quy định”.

Vào đầu tháng 11/2023, tại phiên toà giả định xét xử bị cáo liên quan đến lĩnh vực vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình được tổ chức tại xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn huyện Tân Sơn tham dự. 

Phiên toà giả định này được Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ đó nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân, nhất là những kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em. Qua phiên toà giả định này mà nhiều người dân ở Lai Đồng đã hiểu được nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em…

Không chỉ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, thời gian qua, tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên tại các trường học trong tỉnh.

Theo đó, cơ quan Công an đã phối hợp với các trường học tổ chức nhiều chương trinh phổ biến, giáo dục pháp luật như tuyên truyền về phòng chống ma túy, về trật tự an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường…. nhằm chuyển tải các thông điệp về quy định pháp luật giúp các em học sinh nắm bắt một cách nhanh nhất, rộng nhất và hiệu quả nhất.

Cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, trong 10 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông trong tỉnh đã tổ chức được 733 buổi tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho hơn 338 nghìn học sinh, sinh viên và 14.600 cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, ngành Giáo dục tỉnh đã thực hiện được 2.625 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp với 633.932 lượt người tham dự; tổ chức 622 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 251.797 lượt người dự thi; số tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật là 18.128 bản, trong đó số lượng tài liệu đăng tải trên Internet là 2.721 bản. 

Để đưa pháp luật đến gần dân hơn, trong năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh cũng đã tham mưu, hướng dẫn các sở, ngành, tổ chức đoàn thể ở tỉnh, UBND các huyện, thành, thị phổ biến các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua; kế hoạch công tác của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh trong các lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật về hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh đó, Sở triển khai thực hiện tuyên truyền pháp luật thông qua các tin nhắn đến các thuê bao di động trên địa bàn tỉnh; xây dựng các trang thông tin điện tử về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân có thể trao đổi, bàn luận và tìm hướng giải quyết cho những vấn đề bức xúc trong đời sống pháp luật, từ đó tạo điều kiện để người dân nâng cao kiến thức, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật.

Theo Sở Tư pháp, đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 135.000 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp; biên soạn, phát hành 9 triệu tài liệu tuyên truyền pháp luật bao gồm: Sách, sổ tay, tờ gấp, tài liệu hỏi - đáp pháp luật; tổ chức gần 1.000 cuộc thi về tìm hiểu pháp luật với hình thức phong phú, nội dung đổi mới theo hướng thiết thực, sát cơ sở, sát đối tượng. Các Tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải gần 3.000 vụ, việc/năm với tỷ lệ hòa giải thành công đạt trên 80%. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tiếp nhận, tư vấn, trả lời gần 5.000 ý kiến của người dân về những vướng mắc pháp luật, tập trung vào lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình, hình sự, dân sự, chế độ chính sách bảo trợ xã hội...

Sở Tư pháp cho biết, để tinh thần tuân thủ, thượng tôn pháp luật ngày càng lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, mục đích của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, xác định rõ đây là cầu nối quan trọng để đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; giúp người dân được tiếp cận pháp luật một cách dễ dàng, từ đó có thể hiểu, sống và làm việc theo pháp luật.

Nguyễn Huế và nhóm PV, BTV