Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên là địa bàn cư trú của 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 dân tộc thiểu số, chủ yếu là các dân tộc Ê Đê, Chăm, Ba Na.

Nhằm giúp cán bộ thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, nâng cao năng lực giám sát, đánh giá cho cán bộ các cơ quan, đơn vị tham gia tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên vừa tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp về kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi năm 2023 (tiểu dự án 3 của dự án 10 thuộc chương trình). Gần 70 cán bộ, công chức, lãnh đạo phòng chuyên môn làm công tác dân tộc thuộc các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa tham gia tập huấn.

Hội nghị tập trung vào 3 chuyên đề: công tác lập, phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công; hướng dẫn thực hiện kinh phí sự nghiệp thuộc chương trình; công tác tổng hợp, lập báo cáo thực hiện các tiểu dự án, dự án.

Thời gian qua, triển khai thực hiện Chương tình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), tỉnh Phú Yên có 23 xã, trong đó có 12 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 10 xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và 70 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc.

Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình 1719 là 323,18 tỷ đồng. Riêng năm 2022 là 105,63 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 62,9 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp 42,7 tỷ đồng. Đây là một chương trình được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, với một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách toàn diện.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường hướng dẫn chuyên môn cho cấp huyện, xã. Đối với xã không đủ năng lực làm chủ đầu tư thì cấp huyện khẩn trương giao nhiệm vụ cho phòng chuyên môn làm chủ đầu tư nhằm bảo đảm tiến độ cho các công trình cơ sở hạ tầng.

luamoi.png
Đồng bào DTTS ở Ea Lâm vui mùa lúa mới

Tới nay, cơ cấu kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang dần dịch chuyển theo xu hướng phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh.

Hạ tầng cơ sở các huyện miền núi phát triển kịp thời, phù hợp với chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 100% số xã miền núi đều có đường ô tô đến trung tâm xã và các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa… giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con được thuận lợi hơn. Các công trình thủy lợi được mở rộng, nâng cấp; xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi nhỏ, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu, trồng cây lương thực tại chỗ cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng như phát triển diện tích trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành các vùng cây nguyên liệu như sắn, mía, được gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến đường, tinh bột sắn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

Về công nghiệp cũng đã hình thành các ngành công nghiệp quan trọng như thủy điện, khai thác lâm sản và chế biến vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản. Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng được hình thành và ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 20-26 triệu đồng, khu vực có người dân tộc thiểu số sinh sống đạt gần 18 triệu đồng. Riêng thu nhập của người đồng bào dân tộc thiểu số đạt từ 14 - 16 triệu đồng.

Ánh Tuyết và nhóm PV, BTV