Cán đích nông thôn mới năm 2015, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu là điểm sáng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương. Hiện xã Phúc Khoa được huyện Tân Uyên chọn thí điểm thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Theo Chủ tịch UBND xã Lò Văn Lục, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao được lan toả sâu rộng, người dân làm chủ thể tham gia và hưởng thụ thành quả của nông thôn mới, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Đến hết năm 2021, tổng thu nhập bình quân đầu người của xã Phúc Khoa đạt 40 triệu đồng. Theo lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao đến năm 2025, xã phấn đấu đạt 47 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, toàn xã Phúc Khoa có khoảng 500 ha chè, trong đó 420 ha chè kinh doanh với tổng sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 4.800 tấn. Nếu tính theo kế hoạch giao cả năm, đến nay xã đã đạt 94%.
Chè đem đến nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp người dân các bản: Phúc Khoa, Ngọc Lại, Nậm Bon, Hô Ta làm giàu. Sau khi thu hoạch mỗi lứa chè, trừ tiền đầu tư phân bón, công thu hái, lo cho các con học hành, các hộ đều chi tiêu tiết kiệm, gửi ngân hàng tích góp.
Ngoài chè là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, hiện nay xã đang vận động, khuyến khích các hộ dân trồng bí đao, chanh leo trên các chân ruộng 1 vụ thay thế những cây trồng kém năng suất.
Xã cũng đặt ra mục tiêu chuyển 80% diện tích ruộng hiệu quả thấp sang sản xuất hoa quả, rau màu. Để thực hiện có hiệu quả, xã tổ chức cho các hộ có điều kiện kinh tế khá đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều nơi. Sau đó trở về áp dụng tại địa phương, mô hình thí điểm nào hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng, tiến tới đại trà.
Đặc biệt hiện nay xã đang kêu gọi đầu tư nâng cấp đường giao thông vừa phục vụ sản xuất song cũng góp sức đắc lực cho phát triển du lịch. Vận động nhân dân trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan, bóng mát trên đồi chè.
Đồng thời xây dựng các điểm view, lắp đặt bảng biển, chỉ dẫn và có người hướng dẫn khách tham quan đồi chè. Song song với đó là định hướng cho người dân đầu tư nhà hàng ăn uống, phục vụ nhu cầu theo chuỗi cung ứng cho du khách. Theo lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, đến năm 2025, Phúc Khoa trở thành bản văn hóa du lịch cộng đồng.
Thực hiện tiêu chí liên quan đến văn hóa, xã đang có định hướng phục dựng và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Mông, Thái, Giáy. Xã đã xây dựng chương trình cụ thể để tổ chức Lễ hội Pí Lẹ (thổi kèn) của đồng bào dân tộc Giáy trong thời gian tới.
Về môi trường, ngoài nguồn hỗ trợ của huyện để ký hợp đồng thu gom rác với mức lương hơn 1 triệu đồng/công nhân, mỗi hộ dân trong xã còn đóng góp thêm 15.000 đồng/hộ để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ công nhân thu gom rác. Xã còn hỗ trợ chổi, thuốc khử trùng… nhằm phục vụ cho việc bảo vệ môi trường.
Với những giải pháp quyết liệt trên, có cơ sở để tin rằng Phúc Khoa không trễ hẹn với nông thôn mới nâng cao.
Thanh Minh