Đó là chia sẻ của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan tại phiên họp trực tuyến về chuyển đổi số do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức chiều 30/11.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn dựa trên việc “trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng” mà sản xuất. Nhưng đã đến lúc cần chuyển qua trông vào dữ liệu đám mây, vào các thiết bị kết nối thông minh. 

Từ thói quen phỏng đoán, ước chừng, nền nông nghiệp cần chuyển qua ghi nhận, thu thập rồi phân tích thông tin để kịp thời cập nhật, chuyển tải đến người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà tiêu thụ, cơ quan quản lý. 

Bộ trưởng Hoan cho biết, tiêu chí làng thông minh dựa trên đào tạo nông dân thông minh, nông dân số vào một trong những mục tiêu trọng điểm trong xây dựng nông thôn mới.

Nền nông nghiệp từ dựa vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, cần được tích hợp thêm tự động hóa, thương mại hóa và số hóa.

Do vậy, trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ NN-PTNT sẽ đưa tiêu chí làng thông minh dựa trên đào tạo nông dân thông minh, nông dân số vào một trong những mục tiêu trọng điểm.

Theo Bộ trưởng Hoan, các công nghệ sẽ phục vụ trực tiếp cho hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động nông thôn, cho đến các vấn đề y tế, giáo dục…, để có môi trường nông thôn giàu đẹp, đáng sống, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa nông thông và thành thị.

"Đứng trước đoàn tàu chuyển đổi số đang tiến vùn vụt, chúng tôi không chấp nhận để lỡ chuyến tàu, đứng lại sân ga trong tiếc nuối", nhấn mạnh.

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021–2025. Chương trình được triển khai đến hết năm 2025 ở khu vực nông thôn của cả nước. 

Từ nông dân số sẽ xây dựng làng thông minh.

Mục tiêu nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Chương trình phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất như kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…, làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026-2030.

Theo đó, cần mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn...

Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022; dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2023 của Chính phủ gửi Quốc hội Khóa XV, mới đây nêu rõ, năm 2023 tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo tính bền vững, ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn. 

Phấn đấu cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng ít nhất 15 đơn vị cấp huyện so với năm 2022), thêm 7-8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; khoảng 10.000 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.