Anh Hải ngồi thẫn thờ nhìn chị Nguyễn Thu Huệ (xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ) - vợ anh, đang mang bầu bảy tháng, vừa qua cơn nguy kịch. Hoàn cảnh của anh cũng khá éo le, đang thất nghiệp ở nhà, chị Huệ đang có thai nhưng lại là lao động chính.

TIN BÀI KHÁC

Liên quan đến vụ việc các công nhân ở Công ty TNHH vật liệu đặc biệt Giai Đức (Chương Mỹ, Hà Nội) bị thương vong do lái xe của Công ty đâm, nhằm động viên tinh thần của các công nhân và giúp người lao động yên tâm tiếp tục làm việc, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã vào cuộc chỉ đạo các ban ngành tham gia giải quyết vụ việc xảy ra.

Lương công nhân chỉ đủ ăn cơm... mắm dưa cà!

Để xoa dịu sự phẫn nộ của hàng trăm công nhân, ông Lee Yu Yu, Phó giám đốc đã được ủy quyền thống nhất tăng hỗ trợ tiền ăn từ 10 nghìn đồng/ngày lên 13 nghìn đồng, không bao gồm chất đốt, điện nước... Tăng lương tối thiểu 5% và hỗ trợ tiền xăng xe là 100 nghìn đồng/tháng.


Mức lương mà các công nhân nhận được chỉ đủ ăn cơm với mắm
Tuy nhiên, số đông công nhân đã phản đối cho rằng mức tăng trên là chưa phù hợp với tình hình giá cả hiện nay, một số công ty khác cùng khu vực đã tăng lương tối thiểu trung bình là 1,7 triệu đồng/tháng. Thậm chí, công nhân còn nặng lời cho rằng: "Với mức lương này thì chỉ ăn cơm với mắm và dưa cà".

Trong một diễn biến khác về vụ việc, tại Bệnh viện đa khoa Chúc Sơn giữa trưa nắng, không khí trong phòng bệnh dường như ngột ngạt hơn bởi hàng chục người thăm khám.

Chị Nguyễn Thị Hương (xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ) - một trong những nạn nhân, nằm dài trên giường với một bên chân cương cứng vì vết thương do gãy xương ở bắp chân và dập xương gót. Chị vẫn còn chưa hết bàng hoàng kể lại: "Lúc đó em chỉ kịp nghe thấy tiếng réo của máy nổ, cứ thế mọi người bị xô, người này đè người kia, la ó, không thể lách ra được, em chỉ thấy nhói ở chân rồi hoa mày chóng mặt lịm đi tức khắc”.

Chị Hương vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc diễn ra
Nước mắt ngắn dài sụt sùi, mẹ chị Hương cũng tức tốc có mặt tại bệnh viện, kể hoàn cảnh gia đình, bà cho biết: “Hương có hai con nhỏ, chồng làm nông nên cũng eo hẹp, nay bị thế này thì phía công ty phải có chế độ và bồi thường thỏa đáng cho gia đình”.

Phía bên phòng đối diện, anh Hải ngồi thẫn thờ nhìn chị Nguyễn Thu Huệ (xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ) - vợ anh, đang mang bầu bảy tháng, vừa qua cơn nguy kịch. Hoàn cảnh của anh cũng khá éo le, đang thất nghiệp ở nhà, chị Huệ đang có thai nhưng lại là lao động chính.

Chị Huệ với đứa con trong bụng sợ hãi trước sự việc vừa xảy ra
Nghe tin dữ, anh hớt hải chạy đến bệnh viện chỉ khi nghe tin vợ và con qua cơn nguy kịch mới hết bàng hoàng, đặc biệt hai anh chị kết hôn được hơn 3 năm, con đầu lòng mất khi sinh, nên với anh Hải có được mụn con đã quá gian lao, nếu xảy ra cơ sự gì thì ân hận cả đời. Hiện, chị Huệ bị gãy xương bả vai, xây xát ở mặt và chân tay. Chị cho biết: "Nếu có khỏe lại chị cũng không đời nào dám quay trở lại làm việc ở công ty đó nữa".

Liên đoàn Thành phố vào cuộc

Sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban Chính sách pháp luật của Liên đoàn lao động thành phố, Liên đoàn lao động huyện Chương Mỹ, Công đoàn các khu công nghiệp – chế xuất trên địa bàn Hà Nội tham gia cùng cơ quan chức năng làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết tranh chấp lao động, đình công theo quy định pháp luật lao động nhằm ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

Theo ông Thuần thì hiện nay, các công ty chủ yếu trả lương cơ bản cho người lao động theo quy định vùng 2 là 1.350.000 đồng, tiền ăn ca 10.000 đồng/bữa, không có tiền đi lại. Như vậy, tổng thu nhập của công nhân lao động là thấp trong khi giá cả ngày một tăng khiến đời sống đời sống công nhân càng khó khăn.

Do đó, công nhân Công ty đã đình công yêu cầu doanh nghiệp tăng lương cơ bản, tăng tiền ăn ca và trả tiền đi lại. Với trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội cử cán bộ công đoàn đến thăm hỏi, trao trợ cấp cho công nhân bị tai nạn (mức bình quân 1.000.000 đồng/người) nhằm động viên, ổn định tư tưởng cho công nhân.

Những công nhân này cần được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình
Bên cạnh đó, việc gây tai nạn chết người, các cơ quan chức năng cần căn cứ mức độ vi phạm pháp luật hiện hành để xử lý nghiêm khắc tránh những vụ việc tương tự đáng tiếc xảy ra.

Trước đó, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Chương Mỹ cho biết: “Sẽ làm hết trách nhiệm đề nghị với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đặc biệt những người bị hại đến cùng, nếu thấy chưa hợp lý. Vụ việc này cũng cảnh báo, nếu không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động thì sẽ khó tránh khỏi những vấn đề phức tạp tương tự tái diễn”.

Ở diễn biến song song trong ngày, cơ quan điều tra công an huyện Chương Mỹ vẫn đang khẩn trương điều tra làm rõ hành vi của lái xe ô tô tải đã lao vào đám đông công nhân.


  (Theo VTC News)