Việt Nam đang thiếu doanh nghiệp khởi nghiệp hay

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư IDG Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) Việt Nam từng đi trước khu vực Đông Nam Á từ 3-4 năm. Tuy nhiên, 2-3 năm gần đây, startup Việt Nam đang bị tụt lại so với Singapore và Malaysia. Nền tảng cơ chế của Singapore và Malaysia đang quá tốt để doanh nghiệp startup của họ phát triển bền vững. “Bên cạnh cơ chế, hiện Việt Nam cũng đang thiếu các startup hay. Do đó, chúng ta cần đổi mới giáo dục để sau 5-10 năm nữa, Việt Nam sẽ có thế hệ startup tuyệt vời, đuổi kịp các nước khác như Israel ”, ông Trường nhấn mạnh.  

Bên cạnh đó, ông Trường cho rằng, cơ chế hiện nay cũng đang tạo sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ, đối với ngành quảng cáo trực tuyến, 80% thị phần đang rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại như Google, Facebook. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt Nam đang vướng quá nhiều giấy tờ hay thủ tục hành chính quá lâu dẫn đến mất cơ hội. “Hiện để xin giấy phép game phải mất từ 3-4 tháng, trong khi vòng đời của game rất ngắn nên khi xin xong giấy phép thì doanh nghiệp không còn kinh doanh được nữa. Điều này đã tạo điều kiện cho game lậu phát triển và chiếm thị phần của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Trường dẫn chứng.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện CyberAgent Việt Nam và Thái Lan, hiện tại, Việt Nam đang thiếu các cơ chế khiến nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào startup như cơ chế về thoái vốn hay có rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý. “Khi một startup nhận được đầu tư từ quỹ nước ngoài, họ phải mất từ 2 tháng đến 1 năm để hoàn tất thủ tục, giấy phép liên quan khiến cho các startup có thể  mất cơ hội nhận đầu tư”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, vòng đời một sản phẩm công nghệ diễn ra rất nhanh, trung bình khoảng 6 tháng và phải thay đổi liên tục theo nhu cầu của người sử dụng. Việc làm thủ tục để lấy giấy phép và mấy tháng sau lại tiếp tục cập nhật  giấy phép khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, không tạo ra được cú hích lớn cho sản phẩm.

Chính phủ sẽ đầu tư tiền song hành với các quỹ tư nhân

Đối với vấn đề đổi mới giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, startup dựa trên sáng tạo và đổi mới. Do đó, chúng ta nên sáng tạo giáo dục thông qua game, show truyền hình thay vì suy nghĩ máy móc theo cách cũ là sẽ phải thay đổi chương trình sách giao khoa, bồi dưỡng giáo viên… vì học sinh, sinh viên hiện tại “lên mạng” rất nhiều.

Còn đối với vấn đề cơ chế, Phó Thủ tướng thừa nhận, so với các nước khác, chúng ta phải có những sự thay đổi về quản lý khoa học. “Tuy nhiên, tại sao nhiều nuớc phát triển có cùng chính sách cơ bản giống nhau nhưng có nước thành công về startup, có nuớc không thành công? Thậm chí, ngay trong cùng 1 nước, tại sao có startup này thành công, có startup khác lại thất bại”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Trên cơ sở đó, Phó thủ tướng cho rằng, chúng ta không nên bi quan, chính phủ sắp tới sẽ ban hành chính sách ưu đãi CNTT. Việt Nam cũng đã đầu tư nhiều tiền cho khoa học, giáo dục và thời gian tới sẽ đầu tư để song hành cùng các quỹ tư nhân. “Trên hết, các doanh nghiệp startup nên có kênh cùng với những doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường để mở rộng và hỗ trợ lẫn nhau”, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam kết luận.

Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel cho rằng, yếu tố tài chính là quan trọng nhất trong khởi nghiệp. Tôn chỉ của Israel là để thị truờng định huớng, chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Trong 1 số trường hợp, Chính phủ mới bắt tay vào hành động thực tiễn. Từ những năm 90, Israel đã bắt đầu chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhưng đến nay thì không cần những chương trình này nữa vì hiện đã có đầu tư từ khối tư nhân. Hiện nay ở Israel có 19 vườm khởi nghiệp, trong đó chính  phủ  không trực tiếp điều hành mà cho tư nhân đấu thầu.