Sau thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học Syria, Nga đang lôi kéo vấn đề hạt nhân Israel vào các cuộc đàm phán Trung Đông.


{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây nói rằng, vũ khí hóa học Syria là để đối phó với kho dự trữ hạt nhân Israel và chính các khả năng hạt nhân ấy khiến Israel trở thành mục tiêu. "Vũ khí hóa học Syria được chế tạo để đáp trả vũ khí hạt nhân Israel", ông Putin nói.

Phát biểu tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở vùng Novgorod mới đây, ông Putin cho rằng, giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt là một vấn đề cốt yếu và "ưu thế công nghệ của Israel đồng nghĩa với việc họ không cần phải có vũ khí hạt nhân". Theo ông, Israel sẽ cần phải chấp thuận rũ bỏ vũ khí hạt nhân của mình, cũng giống như Syria giải trừ vũ khí hóa học. Ông nhấn mạnh, sự khác biệt giữa Israel và Nga liên quan tới vấn đề này là, Nga là một trong năm nước sở hữu vũ khí hạt nhân hợp pháp theo quy định của HIệp ước không phổ biến hạt nhân.

Eli Magen - cựu đại sứ Israel tại Nga cho rằng, tuyên bố của Putin là một quân bài mới trong cuộc chơi với Mỹ liên quan tới vũ khí hóa học Syria. "Nga đang lôi kéo vấn đề hạt nhân Israel vào các cuộc thương lượng Trung Đông", Magen nói. Hiện ông là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viên nghiên cứu an ninh quốc gia. "Có lẽ đây là bước ngoặt trong cách tiếp cận của Nga với Israel. Cho tới giờ, Moscow vẫn giữ quan hệ bình thường với Jerusalem".

Động thái này có thể cũng có những tác động tới Iran. Kể từ khi Tổng thống Hassan Rohani lên nắm quyền, ông đã có nhiều cởi mở hơn với phương Tây, nhất là Mỹ. Nếu Washington và Tehran bắt đầu đàm phán trực tiếp, Nga sẽ giữ vai trò trung lập tại Trung Đông sau khi những cuộc hòa đàm Israel - Palestine nối lại với sự bảo trợ của Mỹ mà Moscow không có dính líu.

Người Nga cũng đang cố gắng nối lại đàm phán với Iran, thệm chí là đề xuất nâng cấp vũ khí và khí tài quân sự. “Có lẽ đưa ra vấn đề Israel sẽ thuyết phục Tehran nối lại hội đàm với Nga kể từ khi Mỹ không thể cung cấp điều đó", Magen nói.

Tuy nhiên, Vitaly Naumkin, một thành viên của Viện Khoa học Nga nói rằng, ông Putin không có ý định liên kết vũ khí hạt nhân Israel với vũ khí hóa học Syria. "Putin nói mong muốn Trung Đông không còn vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đó là ý tưởng cũ mà Nga theo đuổi nhiều năm. Nga coi đây là cách hữu hiệu để đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực", ông nhấn mạnh.

Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai là một sự kiện thường niên, diễn ra tại các nơi khác nhau ở Nga, nơi các học giả, phóng viên gặp gỡ quan chức Nga. Đây là cơ hội hiếm hoi để nắm bắt quan điểm của Kremlin về các vấn đề quốc tế. Moscow coi đây là địa điểm và sự kiện quan trọng để thúc đẩy hình ảnh quốc gia.

Năm nay, chủ đề Syria đã chi phối hội nghị. Bên cạnh Putin còn có các quan chức khác như Ngoại trưởng Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Chánh văn phòng điện Kremlin Sergei Ivanov.

Trong các cuộc tranh cãi với thanh sát viên LHQ, với phương Tây nói chung, người Nga luôn giữ vững quan điểm về đối tượng sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Ptuin tuyên bố có niềm tin mạnh mẽ rằng, cuộc tấn công vũ khí hóa học hôm 21/8 là do phe đối lập với chính quyền Syria tạo dựng. Chính sách của Nga là phản đối hành động đơn phương trên đấu trường quốc tế mà không có sự can thiệp hay tuân thủ khuôn khổ luật pháp quốc tế.

"Chúng tôi đã nhìn thấy nỗ lực vi phạm các quy định quốc tế và tạo ra một thế giới đơn cực", Tổng thống Putin nói. “Nga tin là các quyết định phải được cùng nhau thực hiện và không vì lợi ích của một quốc gia nào. Chúng ta phải hiểu rằng, các khu vực khác nhau trên thế giới không thể sống theo một mẫu hình chung, dù là mẫu hình Mỹ hay châu Âu. Họ có những truyền thống khác".

Với người Israel, phát biểu của Putin có lẽ không được chú ý. Israel thường xuyên mang quan điểm tự phòng thủ cho mỗi cuộc tấn công, bất chấp lập trường cộng đồng quốc tế. Nhưng với Nga, giữ vững các nguyên tắc đưa ra là cách họ mong muốn hạn chế ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới. Moscow muốn chấm dứt các hành động quân sự của Mỹ trên toàn cầu.

Nga đang nhắc nhở rằng, các hành động đơn phương của Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Libya là "lợi bất cập hại". Theo quan điểm của họ, vũ khí hóa học rất dễ rơi vào tay phiến quân và có nguy cơ đe dọa toàn thế giới.

Thái An (theo Haaretz)