Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không thể giải quyết được các bất đồng về vấn đề Syria trong cuộc hội đàm qua điện thoại vào ngày hôm qua.

Mạng Shaam News Network ghi lại cảnh xe tăng đi lại tại thủ đô Damascus ngày 17/7 vừa qua. Ảnh: AP
"Vẫn còn các bất đồng trong cách tiếp cận liên quan tới các biện pháp thực tế trong việc đạt được một giải pháp cụ thể" - người phát ngôn của Điện Kremlin  Dmitry Peskov cho biết.

Các cường quốc phương Tây đã từ chối ủng hộ đề xuất ban đầu của Nga hoặc bản sửa đổi mà Moscow đệ trình tại Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba vừa qua.

Còn Nga thì phản đối chương thứ VII và nội dung về các lệnh trừng phạt nhằm vào Syria.

"Chúng tôi không thể chấp nhận Chương VII và phần về các lệnh trừng phạt" - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói tại Moscow hôm qua.

Trong chương VII của Nghị quyết mà Anh đề xuất có kêu gọi các lệnh trừng phạt phi quân sự nhằm vào Syria nếu như Tổng thống Assad không rút các vũ khí hạng nặng ra khỏi các thành phố trong vòng 10 ngày. Mỹ, Pháp, Đức và Bồ Đào Nha đều ủng hộ nội dung này của Anh.

Nga và Trung Quốc đã từng phủ quyết 2 lần đối với các nghị quyết trước đó của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm trừng phạt Syria.

"Chúng tôi đã nói rõ ràng với những người bạn Nga và Trung Quốc rằng chúng tôi đã sẵn sàng đàm phán" - Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud nói.

"Trong Chương VII của nghị quyết có một đe dọa trừng phạt. Chúng tôi cho rằng tình hình tại Damascus và Syria rất nghiêm trọng, và chúng tôi đang hướng theo mục tiêu này" - ông Gerard Araud nói.

"Chúng tôi muốn để ngỏ cơ hội cho biện pháp ngoại giao nhưng phải có sự tham gia đầy ý nghĩa từ phía Nga và Trung Quốc đối với giải pháp của chúng tôi" - Đại sứ của Đức tại LHQ Peter Wittig nói.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Ả Rập Kofi Annan đã kêu gọi Hội đồng Bảo an có hành động mạnh mẽ đối với xung đột tại Syria trước phiên bỏ phiếu vào ngày hôm nay (theo giờ Mỹ).

Ông Ban nói rằng việc cần có hành động để buộc chính phủ và phe đối lập tại Syria ngừng bạo lực là 'cực kỳ khẩn thiết'.

Còn ông Annan thì kêu gọi Hội đồng phải có hành động 'dứt khoát' về cuộc xung đột.

"Tình hình đang xấu đi tại Syria đã tăng cường mức độ cực kỳ khẩn thiết để buộc các bên ngừng bạo lực ở mọi hình thức, thực hiện kế hoạch sáu điểm và lập tức chuyển sang một cuộc đối thoại chính trị" - ông Ban nói trong một bản tuyên bố.

Ông Ban cũng lên án cuộc tấn công vào hôm qua khiến cho các quan chức quốc phòng và an ninh cấp cao của Syria thiệt mạng.

Tổng thư ký LHQ bày tỏ lo ngại về việc các lực lượng an ninh của Syria sử dụng "vũ khí hạng nặng" và kêu gọi HĐBA "chia vai gánh vác trách nhiệm, đưa ra hành động tập thể và hiệu quả trên nền tảng của các nguyên tắc trong Hiến chương LHQ và nhìn nhận nghiêm túc về tình hình". 

Tính đến nay, có hơn 17.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột vũ trang giữa phe đối lập và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad suốt 16 tháng qua.

  • Lê Thu (theo CNA/BBC/RT)