- Tổng thống Putin công du các nước Trung Mỹ với nhiều cam kết hợp tác dài hạn đã khiến cho Mỹ cảm thấy bị 'tấn công' sát nách mình. Ngay lập tức, Tổng thống Obama ra đòn trừng phạt. Tình thế này đẩy sự đối đầu về kinh tế và chính trị giữa 2 cường quốc Nga và Mỹ lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh lạnh.

Quyết định mạnh tay

Chờ đợi quá lâu và dường như đã mất kiên nhẫn trước sự chần chừ của Liên minh châu Âu (EU) trong việc trừng phạt bổ sung Nga, Tổng thống Barack Obama hôm 16/7 tung một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào nền kinh tế Nga.

Quyết định trừng phạt nhằm thẳng vào công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga là Rosneft, nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai là Novatek, Ngân hàng Gazprombank, ngân hàng quốc gia Vnesheconombank chi trả cho chính phủ Nga và 8 công ty vũ khí.

Các cá nhân bị Washington áp đặt lệnh trừng phạt lần này là Bộ trưởng phụ trách vấn đề của Crimea Oleg Savelyev, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergei Neverov, phụ tá của Tổng thống Putin là Igor Shchegolev. Danh sách trừng phạt còn có cả các biện pháp nhằm vào "Cộng hòa nhân dân Donetsk" và "Cộng hòa nhân dân Lugansk" tự phong ở miền Đông Ukraine.

Mục tiêu của đòn trừng phạt mạnh nhất kể từ chiến tranh lạnh này là nhằm vào nền kinh tế Nga, các thực thể và cá nhân mà Washington tin là có tham gia vào việc làm cho tình hình ở Ukraine bất ổn.

{keywords}

Sự đối đầu về kinh tế và chính trị giữa 2 cường quốc Nga và Mỹ hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ Chiến tranh lạnh

Đa số các tổ chức bị trừng phạt lần này đều là các công ty quốc phòng, tài chính và năng lượng - những doanh nghiệp chủ chốt của nền kinh tế Nga và đều có hoạt động rộng khắp trên phạm vi quốc tế.

Theo đánh giá, các biện pháp trừng phạt này sẽ gây ra tác động tối đa lên Nga trong khi vẫn có thể hạn chế tác động lên các công ty của Mỹ và các đồng minh. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, đây là đòn giáng mạnh mẽ nhất của Washington nhằm vào nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới này.

Đòn mạnh tay của Mỹ đưa ra trong sau nhiều tuần cáo buộc Moscow chưa tuân thủ theo các yêu cầu của Phương Tây trong việc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thuyết phục các phần tử ly khai ở miền Đông Ukraine hạ vũ khí và ngăn chặn việc tuồn vũ khí cũng như thiết bị quân sự qua biên giới vào Ukraine.

Trước đó, Washington cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với giới lãnh đạo một số công ty và xí nghiệp chủ chốt của Nga cũng như các nhà lãnh đạo chủ chốt của phong trào ly khai ở miền Đông Ukraine.

Đây là những bước đi tiếp theo sau hàng loạt các biện pháp trừng phạt các quan chức và công ty của Nga có liên quan đến nhóm thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, trong đó có Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak và chủ tịch công ty Rosneft Igor Sechin, hồi tháng 4/2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014. Nhiều những quy định về cấp phép xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao sang Nga khi đó cũng bị thắt chặt.

Mỹ tính đường dài

Quyết định trừng phạt mạnh mẽ nhất được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tại Ukraine tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm có rất nhiều sự kiện nhạy cảm đã diễn ra như: sự tăng cường hợp tác Nga-Trung, chuyến đi thăm Mỹ Latinh dài ngày nhất của ông Putin kể từ khi đắc cử nhiệm kỳ 3.

{keywords}

Sự trỗi dậy của Nga với một Putin có những nước đi khó lường và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc mạnh vì gạo bạo vì tiền gây lo ngại về những đe dọa vị trí của Mỹ

Quyết định trừng phạt diễn ra trong bối cảnh Nga bị loại khỏi nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển G8 và cường quốc đang trỗi dậy về cả kinh tế và chính trị này đang "xoay trục", đổi hướng sang hợp tác với hàng loạt các nước ngoài phương Tây, bao gồm nhóm BRICS (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Quyết định xóa 90% nợ (khoảng 32 tỷ USD) cho La Habana từ thời Liên Xô cũ, đồng thời ký kết một loạt văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, y tế, cơ sở hạ tầng... hay như những hợp đồng dầu khí hàng trăm tỷ đô với Trung Quốc gần đây có lẽ khiến cho Mỹ ít nhiều lo ngại.

Những hợp tác mạnh mẽ với Cuba trong chuyến thăm hôm 11/7 của ông Putin cũng làm rấy lên lo ngại cho rằng Nga có thể sắp làm "sống" lại trung tâm viễn thám thời Chiến tranh lạnh Lourdes tại Cuba từng được sử dụng để do thám Mỹ trong thời kỳ đó. Bên cạnh đó, Nga cũng đang lên kế hoạch đặt các trạm hệ thống định vị ở Nicaragua và hợp tác một nước Nam Mỹ đang khó khăn về kinh tế là Argentina.

Sự đối đấu giữa Nga và phương Tây bao gồm Mỹ và châu Âu trở nên căng thẳng sau khi Nga cho Crimea sáp nhập vào liên bang và sự bất ổn dai dẳng chưa dứt ở miền Đông Ukraine..

Điều mà châu Âu lo ngại là Ukraine là điểm trung chuyển một lượng lớn khí đốt từ Nga sang cho các nước EU. Sự bất ổn ở Ukraine cũng đồng nghĩa với sự bất ổn về kinh tế, chính trị và xã hội ở gần như tất cả các nước trong khu vực. Mỹ, trong khi đó, lại là đồng minh của EU.

Trên hết, sự trỗi dậy của Nga với một Putin có những nước đi khó lường và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc mạnh vì gạo bạo vì tiền gây lo ngại về những đe dọa vị trí của Mỹ. Điều này khiến Mỹ bừng tỉnh về sự thay đổi thực sự một trật tự thế giới theo hướng đa cực mà theo đánh giá của nhiều người Mỹ là đầy bất ổn, khó lường.

Đòn trừng phạt mạnh mẽ nhất của Tổng thống Barack Obama lần này được đánh giá sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế Nga và quan hệ song phương. Và nó được xem như một minh chứng cho sự đối đầu Nga-Mỹ đang leo thang. Đây là một thực tế có lẽ rất nhiều người, nhiều nước không mong muốn. Nó cho thấy một thế giới đang thay đổi nhanh chóng với những xung đột lợi ích quốc gia càng trở nên sâu sắc.

Văn Minh