Quá đơn giản để đóng một con dấu MẬT vào một văn bản, hay đơn giản hơn là lắc đầu khi người dân đòi hỏi thông tin.

Cho dân biết tình trạng sức khỏe quan chức là bình thường

“Tại sao dân không được biết?”

Tròn 31 năm trước (3/12/1984), Ấn Độ chứng kiến một thảm họa công nghiệp bi thương nhất trong lịch sử loài người. Hệ thống khí gas tại nhà máy hóa chất của tập đoàn Union Carbide tại Bhopal rò rỉ, dẫn đến một vụ nổ kinh hoàng. Con số tử vong được thống kê sau đó là 3.787 người, hơn nửa triệu người bị thương. 

Nhà máy Bhopal là một liên doanh có vốn Nhà nước chiếm hơn 49%. Suốt 8 năm, công nhân đã gửi đơn kiến nghị lên Ban giám đốc nhưng đều không nhận được sự quan tâm. 

Kết quả, quả bom phát nổ vào mùa đông năm 1984. Các nhà hoạt động môi trường đã lên án chính phủ Ấn Độ bưng bít thông tin. Người dân phẫn nộ đặt câu hỏi, tại sao họ không được quyền biết những gì đang diễn ra trong nhà máy Bhopal?

{keywords}
Quá đơn giản để đóng một con dấu MẬT vào một văn bản. Tranh minh họa: DAD/ Thanh niên

Một số tổ chức tại nước này kêu gọi một đạo luật về tự do thông tin phải được thông qua. Họ lập luận, Hiến pháp Ấn Độ cho chúng tôi quyền được biết, nhưng từ lâu nó đã trở thành một “quyền treo”. Nhà máy Bhopal có sử dụng vốn của Nhà nước, tức là có sử dụng tiền đóng thuế của người dân. Do vậy, người dân phải nắm được thông tin.

Chỉ có thể bằng sự kiên trì và nhẫn nại, hơn 20 năm sau sự cố Bhopal, Đạo luật về quyền thông tin (RTI - Right to Information Act) của Ấn Độ mới được thông qua. Trong đó chứa đựng những quy định hết sức rõ ràng rằng bên cạnh các cơ quan Nhà nước, tất cả những đơn vị có sử dụng vốn Nhà nước có trách nhiệm phải công khai thông tin cho người dân khi có yêu cầu.  

Sau 10 năm tồn tại, nhiều tổ chức phi chính phủ đánh giá RTI của Ấn Độ trong top 10 đạo luật thông tin tốt nhất thế giới.

Bản thân người dân Ấn Độ cũng hoan nghênh RTI đã giúp cho họ có thêm công cụ thông tin làm chủ xã hội. Hàng năm, Ấn Độ nhận được rất nhiều yêu cầu tiết lộ thông tin từ người dân theo RTI, con số có khi lên đến 2 triệu trong ba năm đầu.[1]

Ấn Độ chỉ cần 150 người chuyên giải quyết các vấn đề thông tin trên toàn liên bang (con số dự trù ban đầu là 300). Nguyên tắc rất đơn giản, càng công khai bao nhiêu, Nhà nước càng tiết kiệm bấy nhiêu.

Nhìn từ câu chuyện Ấn Độ

Đa số các quốc gia trên thế giới có cơ hội cho ra đời một đạo luật tự do thông tin đúng nghĩa mà không phải trả những cái giá quá đắt như Ấn Độ, trong đó có Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đang thảo luận dự thảo luật tiếp cận thông tin mà rất có thể, việc thông qua nó sẽ mở ra một chương mới cho sự minh bạch và dân chủ cho đất nước như mong mỏi của các vị lãnh đạo.

Tuy nhiên, tại dự thảo hiện tại, vẫn còn không ít những hạn chế, những “dè dặt”, giữ kẽ.

Chẳng hạn, tại nhiều nước trên thế giới, RTI có vị trí như một đạo luật khung về quyền tiếp cận thông tin. Điều này nghĩa là các quy định về tiếp cận thông tin hay hạn chế tiếp cận thông tin ở các luật khác sẽ phải tuân theo nguyên tắc hoặc không được trái với RTI.

Trong dự thảo mới nhất, những nhà làm luật VN vẫn tự hạn chế quyền năng của đạo luật này bằng quy định nó sẽ không điều chỉnh các thông tin được làm ra trước ngày đạo luật được thông qua, hoặc các thông tin do các văn bản khác điều chỉnh.

Bên cạnh đó, dự thảo vẫn quy định chưa rõ ràng về những chế tài liên quan đến việc từ chối cung cấp thông tin một cách bất hợp pháp.

Một số nhà báo từng ví von, xã hội của chúng ta có quá nhiều những bí ẩn không cần thiết. Người dân đang “đói” thông tin, đó là một thực tế không thể phủ nhận. Quá đơn giản để đóng một con dấu MẬT vào một văn bản, hay đơn giản hơn là lắc đầu khi người dân đòi hỏi thông tin. Rất có thể, những cái lắc đầu đó chỉ là sự lười biếng tức thời của một công chức. Nhưng cũng có khi, ai có thể chắc đằng sau đó không che giấu một “quả bom nổ chậm”, một nguy cơ mà không ngăn chặn hậu quả sẽ rất lớn?

Khi một người “đói”, họ chấp nhận cả những món ăn không rõ xuất xứ, làm hại cho cả cơ thể xã hội. Chúng ta không ai muốn điều đó. Nếu ví xã hội dân chủ là một con người sống, thì thông tin chính là oxy của nền dân chủ[2].  

Xây dựng một đạo luật về quyền tiếp cận thông tin đúng nghĩa, không né tránh, không dè chừng có lẽ không chỉ một di sản mà Quốc hội có thể để lại, nó còn là trách nhiệm đối với định hướng dân chủ mà chúng ta đang tiếp cận.  

Lê Nguyễn Duy Hậu 

-----

[1] Right to Information in India: An Effective Tool to Tackle Corruption, Asiafoundation.org, 28/9/2011.
[2] Ví von của bà Ngô Thị Thu Hà – một thành viên của PPWG, nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân vào các vấn đề xây dựng chính sách.