Cuối tháng 8, trong chuyến công tác tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Lặc (Thanh Hóa), thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Phong, Khoa Phẫu thuật Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E (Hà Nội), đã tiếp nhận một bệnh nhi đặc biệt, mới chỉ 40 ngày tuổi.
Sinh ra ở một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, em bé mắc bệnh tim bẩm sinh. Lần đầu tiên gặp bệnh nhi, bác sĩ Phong cho biết toàn thân em tím tái, hơi thở rất yếu ớt.
Thời điểm em bé chào đời, các bác sĩ khuyên gia đình đưa con lên Hà Nội điều trị nhưng do hoàn cảnh khó khăn, gia đình đã xin đưa bé về nhà.
Thông qua chương trình Trái tim cho em, các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, đã khám lại cho con. Bác sĩ Phong cho biết đây là ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao, với tình trạng rối loạn nhịp tim nặng, dẫn đến mức độ suy tim nguy hiểm, bé có thể phải thở máy bất kỳ lúc nào.
Ngay lập tức, gia đình anh Phương được theo đoàn công tác của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, lên Hà Nội, dù không có kinh phí cho ca can thiệp này.
Đầu tháng 9, em bé được phẫu thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Sau 3 ngày thở máy tại Khoa Hồi sức Ngoại Tim mạch, bệnh nhi đã được rút bỏ máy thở.
Đây là một trong số rất nhiều câu chuyện xúc động khi các bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương luôn dành thời gian để đi đến vùng sâu, vùng xa, giúp cứu nhiều bệnh nhân nguy kịch. Không những thế, họ còn “cầm tay chỉ việc” giúp các bác sĩ tuyến dưới nâng cao trình độ.
Hàng loạt dự án, chương trình vì sức khỏe người nghèo
Thực tế, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số luôn được quan tâm triển khai. Tháng 11/2014, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức chương trình nhân đạo lớn mang tên “Chung tay hành động vì sức khỏe cộng đồng” với mục tiêu khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho ít nhất 1 triệu người/năm.
Sau lễ phát động, 8 đoàn y, bác sĩ đã lên đường đến các huyện nghèo thuộc Lạng Sơn, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Phú Thọ, Hà Hội để khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào.
Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập đoàn công tác với 60 cán bộ, y bác sĩ thực hiện khám, phát thuốc miễn phí cho 1.000 bà con, nhân dân bản huyện Lang Chánh và huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa).
Cùng hưởng ứng chương trình, từ ngày 12-15/12/2014, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 2.000 lượt người dân, trong đó hơn 500 phụ nữ được khám sản, phụ khoa; 724 người dân được khám nội; 200 trẻ em được khám nhi và 762 người được siêu âm cùng với 1.200 suất thuốc được trao tặng cho người dân.
Ngoài ra các bệnh viện tuyến trung ương cũng luôn chủ động xây dựng các chương trình khám chữa bệnh miễn phí, tổ chức cấp phát thuốc cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ ngày 3-4/11/2018, Đoàn công tác Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân các xã thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Hơn 100 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y sĩ có trình độ chuyên khoa cao cùng trang thiết bị y tế hiện đại của bệnh viện đã được huy động để khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí phục vụ nhân dân trên địa bàn. Trong hai ngày làm việc, các y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 4.000 lượt người; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để phòng, chống bệnh dịch.
Hợp tác toàn diện giữa bệnh viện tuyến trung ương và địa phương giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến
Đặc biệt, nhiều bệnh viện còn thực hiện các dự án hợp tác phát triển toàn diện về y tế đối với những tỉnh miền núi. Điển hình là Dự án hợp tác phát triển toàn diện về y tế giữa UBND tỉnh Yên Bái và BV Bạch Mai đã đem lại hiệu quả tích cực cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Là tỉnh miền núi phía Bắc, ngành y tế của địa phương này gặp nhiều khó khăn như nhân lực y tế còn thiếu ở tất cả các tuyến, đặc biệt là thiếu bác sĩ, bác sĩ giỏi có trình độ chuyên khoa sâu; kỹ thuật cao và chuyên sâu chưa thực hiện được; cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều cơ sở y tế còn chưa đảm bảo; năng lực quản lý bệnh viện trong cơ chế mới còn hạn chế; chưa huy động được các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực y tế.
Do đó, dự án hợp tác này là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Sau 5 năm triển khai (2017-2021), dù còn những khó khăn, thách thức, dự án đã hoàn thành các mục tiêu và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân và phát triển kinh tế xã hội và môi trường của tỉnh Yên Bái và khu vực, tập trung vào các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện nhằm cung cấp dịch vụ y tế một cách bền vững, tăng khả năng tiếp cận của người nghèo với các dịch vụ y tế phù hợp.
Cụ thể, 62 kỹ thuật mới, kỹ thuật cao và chuyên sâu với 159 cán bộ thầy thuốc được chuyển giao kỹ thuật và áp dụng vào khám chữa bệnh cho nhân dân với tổng số 1.878.214 lượt người bệnh được thực hiện khám chữa bệnh theo các gói kỹ thuật mới được chuyển giao. Người bệnh được khám chữa bệnh với các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao với chi phí thấp hơn do không phải về các bệnh viện tuyến trung ương.
Tỷ lệ chuyển tuyến trung bình của tỉnh Yên Bái giảm từ 5,66% năm 2017 (43.109 ca) xuống còn 3,41% năm 2021 (18.928 ca). Đặc biệt giảm mạnh tại Trung tâm Y tế huyện Yên Bình (7,33%), Trung tâm Y tế Trấn Yên (7,1%), Trung tâm Y tế huyện Văn Yên (5,4%), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái (4,39%).
Các cơ sở y tế đã từng bước chủ động thực hiện được các kỹ thuật đúng tuyến, người dân được chăm sóc sức khỏe một cách kịp thời ngay tại địa phương, từ đó giảm chi phí do phải chuyển tuyến, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Kỹ năng giao tiếp ứng xử của cán bộ y tế được cải thiện góp phần nâng cao tỷ lệ hài lòng của người bệnh.
Có thể nói, những chương trình, dự án trên đã thể hiện được mối quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta đối với việc đảm bảo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và vẫn đang tiếp tục được duy trì, phát triển.