Tả Phìn nằm trên cao nguyên Sìn Hồ (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) là xã đặc biệt khó khăn, địa hình độ dốc lớn, hệ thống sông suối ít, khó khăn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Tập quán canh tác của đồng bào Mông, đồng bào Dao ở đây cũng lạc hậu, chủ yếu tự cung tự cấp từ sản xuất nông nghiệp thuần túy gồm lúa, ngô gieo trồng 1 vụ/năm, chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương pháp truyền thống bán chăn thả và chăn thả tự do. Vì thế tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao.

Quyết tâm xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền Tả Phìn đã trăn trở, tìm lời giải cho “bài toán khó”. Việc trước nhất được tập trung là tăng cường truyên truyền, vận động, “cầm tay chỉ việc” là giải pháp đầu tiên cả hệ thống chính trị của xã nỗ lực vào cuộc.

Theo đó, cán bộ, công chức xã tăng cường về cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu phát triển mô hình trồng cây dược liệu, cây ăn quả, rau vụ đông. Quy hoạch bãi chăn thả, đầu tư con giống, thay đổi phương thức chăn nuôi. Để bà con tin, làm theo, cán bộ, đảng viên tiên phong nói trước, làm trước; chú trọng biểu dương điển hình tiên tiến trong đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế hiệu quả của địa phương. 

W-taphin.png
Một góc Tả Phìn hôm nay

Xây dựng cuộc sống mới, người dân ở 9 bản của xã tích cực thi đua sản xuất. Ruộng, nương dưới bàn tay của người nông dân và máy móc đã tạo ra những giống lúa, ngô chất lượng, diện tích gieo trồng ngày càng nâng lên, đưa năng suất cây trồng đạt từ 33-47 tạ/ha, sản lượng gần 2.000 tấn/năm, không chỉ đủ phục vụ nhu cầu gia đình còn bán ra thị trường và có giống cho mùa vụ sau. Bà con cải tạo đất trồng cây có giá trị kinh tế cao như: sâm đương quy, atisô, cây ăn quả ôn đới. Nhiều bản còn hình thành vùng chăn nuôi tập trung đại gia súc, mô hình gia trại với số lượng lớn. Nhờ phương pháp chăn nuôi khoa học, số lượng vật nuôi của xã tăng nhanh, với 2.515 con gia súc, gần 12.000 con gia cầm, tốc độ tăng đàn đạt 5%/năm. 

Phát huy ưu thế có các điểm du lịch nổi tiếng như: núi Đá Ô, động Ông Tiên và nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào người Mông, Dao, xã vận động nhân dân thành lập các đội văn nghệ, khôi phục và duy trì tổ chức lễ hội, trò chơi dân gian, nghề truyền thống... gắn với phát triển du lịch.

Từ đó, nghèo đói dần đẩy lùi, bản làng đổi thay. Tả Phìn hôm nay đang đổi thay tích cực với những ngôi nhà sàn, nhà gỗ, nhà xây lợp prôximăng, lợp tôn được xây dựng khắp nơi. Điện đã tới những bản xa, nhiều nhà đã có xe máy, tivi. Con em được đến trường học dưới những mái trường khang trang, được chăm sóc và nuôi ăn bán trú tại trường. Trạm Y tế được đầu tư xây dựng đảm bảo chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đường giao thông nội bản, nội đồng được xây dựng…

Không bằng lòng với những gì đã đạt được, thời gian tới Tả Phìn tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, nhằm khơi dậy tính tự giác, trách nhiệm của Nhân dân trong thực hiện chương trình; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của trung ương, của tỉnh, kết hợp với huy động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng và liên doanh, liên kết sản phẩm nông nghiệp… Từ đó, góp phần giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, qua đó góp phần xây dựng huyện vùng cao biên giới ngày càng khởi sắc.