Kshama Bindu nói rằng cô không muốn kết hôn nhưng lại muốn được mặc váy cô dâu nên đã đưa ra quyết định đặc biệt. Kiểu kết hôn này được gọi là đám cưới một mình (sologamy).

Kshama tốt nghiệp ngành xã hội học, hiện làm nhân viên tuyển dụng cấp cao cho một công ty tư nhân. Bố mẹ cô đều là kỹ sư. Trong khi hầu hết các cô gái đều mơ ước về một chú rể mặc bộ đồ vest nắm chặt tay mình trong lễ đường thì Kshama lại khác. Cô tìm được chú rể của đời mình là... chính mình.

Việc chuẩn bị hôn lễ của cô gần như đã xong. Cô thậm chí còn đặt một chiếc váy Lehenga (bộ váy truyền thống) cho riêng mình và phát thiệp cưới tới bạn bè. Trên thiệp cưới chỉ có tên cô dâu. Trước đó, cô từng dành rất nhiều thời gian để thuyết phục bố mẹ chấp nhận quyết định của con gái. 

Thiệp cưới chỉ có tên cô dâu được gửi tới bạn bè.

Được biết, đám cưới với chính mình của Kshama Bindu là đám cưới đầu tiên ở Ấn Độ. "Mọi người kết hôn với người họ yêu. Tôi yêu bản thân mình vì vậy tôi sẽ kết hôn với chính mình", Kshama Bindu nói. 

Thông tin về đám cưới của cô gây ra nhiều luồng tranh luận.

"Kết hôn với chính mình có nghĩa gì vậy, tôi thực sự không hiểu", một người dùng mạng bình luận. Có người lại cho rằng: "Bạn có thể sống với chính mình, đâu cần phải kết hôn như thế".

Dù sologamy xuất hiện cách đây nhiều năm và trở thành xu hướng của giới trẻ ở nhiều quốc gia nhưng ở Ấn Độ, khái niệm này còn khá mới mẻ. 

Cô gái 24 tuổi cho biết, sẽ tuân thủ tất cả các khâu trong hôn lễ giống như một đám cưới truyền thống của người Hindu, bao gồm cả pheras - một nghi lễ quan trọng, đến lời tuyên thệ và cả tuần trăng mật. 

Các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, việc thực hiện "cưới chính mình" là không hợp pháp ở Ấn Độ.

Thanh Anh (Theo Indiatoday)