Những ngày gần đây, vụ việc về các video tiêu cực trên YouTube liên quan tới hình tượng " Momo " quái dị đang được lan truyền nhanh chóng. Những video này đã gây ra không ít hoang mang cho cư dân mạng, đặc biệt là khi chúng nhắm vào các đối tượng trẻ em dễ dụ để thực hiện nhiều lời chỉ bảo nguy hiểm.
Vậy Thử thách momo thực sự là gì, và có nguồn gốc từ đâu mà nay lại trở nên đình đám như vậy?
Theo nhiều nguồn tin tổng hợp, khái niệm chính xác được dành cho chúng là "Momo Challenge" - là một trò thử thách tương tự như trào lưu "Blue Whale" ngày trước. Vắn tắt một chút, Blue Whale nổi lên vào năm 2016 chủ yếu trong cộng đồng mạng quốc tế, bao gồm một loạt nhiệm vụ được gán cho nhau trong một khoảng thời gian, với thử thách cuối cùng là tự tử. Rất nhiều thanh niên đã làm theo từng bước thử thách với tâm lý thích... chơi trội để rồi rước nguy hiểm vào mình).
Momo Challenge cũng gần giống như vậy, với thông điệp chỉ dẫn để người xem làm theo những lời khuyên nguy hiểm. Nó lần đầu xuất hiện vào tháng 7 năm ngoái trên ứng dụng WhatsApp.
Tại đó, nhiều người rỉ tai nhau về một tài khoản lạ với biệt danh và avatar là hình tượng Momo - xuất phát từ một bức điêu khắc của Nhật có tên gọi MotherBird. Họ thách thức nhau nhắn tin với người đó, để rồi nhận lại là các nội dung và hình ảnh mang tính bạo lực, đe dọa. Dĩ nhiên, nguồn gốc từ Nhật Bản và tác giả làm ra bức tượng MotherBird hoàn toàn vô can, dù trông nó có đáng sợ và quái dị với khuôn mặt u ám nhọn hoắt cùng đôi mắt phình to trợn trắng và cái mỉm cười lạnh sống lưng.
Hình ảnh được cho là một trong những tài khoản Momo có liên quan đầu tiên trên WhatsApp.
Đáng buồn là vẫn chưa có ai đủ khả năng lần ra và xác minh người đứng sau tài khoản Momo và những hệ lụy đi kèm, thậm chí cả việc đó có phải 1 người, 1 tài khoản duy nhất hay không cũng chẳng ai dám chắc. Từ đó, Momo Challenge dần lan rộng ra các mạng xã hội khác dưới dạng video làm sẵn, với lời lẽ đầy bạo lực và tiêu cực lồng vào.
Những hậu quả đình đám đầu tiên do trào lưu thử thách Momo (Momo challenge) xảy ra
Tháng 7/2018, Argentina: Bé gái 12 tuổi tự sát
Sự việc xảy ra vào gần giữa năm 2018 này được cho là nạn nhân đầu tiên hiện diện do trào lưu Momo tác động. Bé gái được tìm thấy ở sân sau nhà tại thành phố Buenos Aires trong tư thế treo cổ.
Nhiều bằng chứng được đưa ra bởi cảnh sát địa phương cho thấy có dấu hiệu của Momo Challenge và nó đã thúc đẩy cố bé tự sát. "Chúng tôi đã cố gắng lục lọi điện thoại cá nhân của bé gái và tìm thấy những đoạn chat WhatsApp. Kẻ nói chuyện và chỉ bảo cô bé sẽ được gấp rút truy lùng và tìm kiếm," cảnh sát chia sẻ khi công bố vụ việc.
Tháng 9/2018, Colombia: Bé gái 12 tuổi và cạu bé 16 tuổi tự sát
Cả 2 nạn nhân đều được tìm thấy trong một ngôi nhà ở Colombia và có bằng chứng cho thấy họ đã tham gia làm theo trào lưu "Momo Challenge" trên WhatsApp. Cảnh sát cho rằng cậu bé và cô bé có quen biết nhau, trước khi kết liễu đời mình theo lời chỉ thì cậu bé đã chuyển tin cho cô bé để cùng mình "chơi" thử thách này. Dự đoán của cảnh sát cho biết 2 nạn nhân chết cách nhau khoảng 48 giờ đồng hồ, thuộc địa phận khu Barbosa, Colombia..
Tháng 11/2018, Pháp: Cậu bé 14 tuổi tự sát
Vụ việc này được cho là có sức lan tỏa hơn khi bố cậu bé đã mạnh tay khởi kiện WhatsApp và YouTube vì đã để Momo Challenge diễn ra, gián tiếp dẫn đến cái chết của con trai mình. Cậu bé cũng tự treo cổ trong phòng giống như các trường hợp trước.
Theo tờ Le Monde của Pháp, đã có bằng chứng trò Momo Challenge liên quan tới cái chết này.
René Gattino - bố cậu bé - đã tiết lộ ràng trước khi chết, con mình có đăng tải hình ảnh lên Facebook về hình tượng Momo, cũng là lý do giúp ông và cảnh sát lần theo manh mối.
Tham khảo: The Sun, Dailymail