Bánh rán 2.000 đồng

Chia sẻ với PV, cô Yến (65 tuổi) chủ tiệm bánh rán trên phố Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, bắt đầu làm bánh đến nay được hơn 3 thập kỷ. Tiệm bánh đã tồn tại giữa lòng Hà Nội chừng ấy năm, chưa từng thay đổi địa điểm.

"Tôi đã làm bánh rán trước khi mở tiệm bánh này, nhưng bỏ dở mất chục năm. Sau quyết định làm lại để bán, quán mở từ 1990 đến nay lúc nào cũng tấp nập khách", cô Yến

Điều đặc biệt, tiệm bánh đều do anh em trong nhà làm, cô Yến không thuê người ngoài. Công việc được chia theo dây chuyền, các thành viên quen việc nên đem lại hiệu quả cao.

Phần lớn các công đoạn làm bánh đều được chế biến trước mắt thực khách, nhiều vị khách hiếu kỳ chăm chú theo dõi quy trình làm ra những chiếc bánh rán truyền thống.

Tại đây, khách đến mua được lựa chọn đa dạng các loại bánh: bánh đường, bánh mật, bánh ngọt và bánh mặn. Bánh được nặn tròn đều, vừa ăn, màu sắc bắt mắt hấp dẫn. Được biết, giờ mở cửa tiệm từ 4h30 sáng đến 19h tối, các nguyên liệu được cô chuẩn bị chu đáo, bán hết trong ngày.

{keywords}
Cô Yến rán những mẻ bánh đầu tiên vào sáng sớm.

Để làm ra được hương vị bánh "có một không hai", cô Yến phải chăm chút từng công đoạn. Gạo nếp phải là loại nếp hoa vàng để đạt độ dẻo, thơm. Gạo sau đó được ngâm và xay bằng cối đá thủ công. Nhân bánh bằng đỗ, được đồ chín rồi dùng máy đánh mịn, trộn lẫn mộc nhĩ, miến xào chín. 

Điều bất ngờ nhất là giá bán tại tiệm bánh, mỗi chiếc chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng tùy loại. Cô Yến cho hay, lý do có giá bán như vậy vì tiệm không mất tiền thuê mặt bằng, mọi công đoạn, nguyên liệu đều do người nhà tự làm nên phần nào giảm bớt chi phí.

{keywords}
Bánh ngọt và bánh mặn vừa được vớt ra từ chảo dầu nóng, thơm phức mùi vừng.

Khách hàng của tiệm bánh chủ yếu là khách quen. Cũng có nhiều người đến ăn lần đầu nhưng đều biết đến tiệm bánh bởi giá thành phải chăng, chất lượng đảm bảo.

"Nhiều người đến ăn, thấy ngon nên đặt về để bán lại, có ngày khách lấy hàng nghìn cái. Không chỉ ở Hà Nội, nhiều khách ở Phú Thọ, Nam Định cũng ghé qua mua", cô Yến niềm nở.

Là một trong những "khách ruột" của tiệm bánh rán, cô Hoàng Thị Thao (62 tuổi, Phố Cổ, Hà Nội) tuy xa nhưng ngày nào cũng đến mua cho hay: "Bánh ở đây ngon, dễ ăn ai cũng thích. Không ăn lại nhớ lắm, giá cả hợp lý mà chất lượng cũng đảm bảo, thi thoảng đi xa tôi cũng mua để làm quà".

Mỗi ngày xay đến 100 kg gạo

Sau hơn 30 năm duy trì, tiệm bánh chưa khi nào vãn khách, chủ yếu là các cơ quan nhà nước. Để đảm bảo số lượng bánh đáp ứng nhu cầu khách hàng, trung bình 1 ngày tiệm bánh cô Yến xay đến 100 kg gạo. Ngày cao điểm bán ra khoảng 10 nghìn chiếc bánh, doanh thu khoảng 20 triệu đồng. 

Buổi sáng tiệm đã mở cửa từ sớm để chuẩn bị nhưng vẫn không kịp làm bánh để bán. Khách xếp hàng dài từ 5h sáng, chờ đến 15 - 20 phút mới có bánh. "Khách kêu khổ vì ăn, do phải xếp hàng dài để mua, các loại bánh khác khách không ăn được, có khách bảo 'tiệm bánh cô Yến không có đối thủ'", chủ tiệm bánh cười tươi.

{keywords}
Quán tấp nập người mua bất kể thời gian nào trong ngày.

Suốt từ sáng đến tối, các thành viên luôn tay nặn và rán bánh. 12h trưa tiệm bánh vẫn xèo xèo tiếng dầu rán, anh chị em thay nhau người ăn trưa, người trông bánh. Bánh nặn xong phải cho lên chảo rán qua một lượt để đỡ dính, lần thứ hai cần đảo đều tay cho bánh vàng, giòn và chín kỹ. Mỗi mẻ bánh 200 cái mất 12 phút để chiên rán, đảm bảo độ chín và ngon của bánh.

"Công đoạn đánh đường làm bánh mật phải thật nhanh tay, đảo đường đến khi vừa đủ bám vào lớp ngoài của bánh, chỉ cần để quá lửa là bánh dễ bị đắng và mùi khét", cô Yến cho biết thêm.

Trải qua bao thăng trầm, khách hàng của tiệm bánh rán 2.000 đồng vẫn trở lại và ủng hộ hàng ngày. Không chỉ ở giá bán phải chăng, bánh ngon mà còn bởi tình yêu với nghề xuất phát từ chữ "tâm" của người bán.

"Khách yêu cầu gì thì mình làm vậy, mua 1 cái hay cả trăm cái cũng xếp hàng đến lượt. Mua ít hay nhiều tôi vẫn bán giá đó, khách là động lực để tôi duy trì món ăn truyền thống này", cô Yến chia sẻ. 

(Theo Dân Trí)