Hãng thông tấn Reuters, dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên, hôm 9/2 cho biết quân đội nước này sẽ không tiến vào Ukraina để sơ tán công dân Mỹ, nhưng sẽ thiết lập các cơ sở tạm thời bên trong lãnh thổ Ba Lan để đón người tháo chạy khỏi Ukraina trong trường hợp cần thiết.

Các quan chức này còn tiết lộ kế hoạch trên đã được Nhà Trắng thông qua, và là một phần trong các kế hoạch dự phòng của Mỹ đối với tình hình tại Ukraina. "Chúng tôi đang liên tục đánh giá diễn biến tình hình an ninh trong khu vực, và lên kế hoạch cho một loạt trường hợp dự phòng như những gì chúng tôi vẫn thường làm", một quan chức cho hay.

{keywords}
Các khí tài quân sự của Mỹ bên ngoài sân bay Rzeszow-Jasionka ở Jasionka, Ba Lan hôm 9/2. Ảnh: Reuters

Lầu Năm Góc cũng thông báo khoảng 1.700 quân nhân, chủ yếu thuộc Sư đoàn Dù số 82, đang được triển khai từ Fort Bragg, bang Bắc Carolina (Mỹ), đến Ba Lan. Cơ quan này cũng cáo buộc nhiều lực lượng của Nga đang tiếp tục di chuyển đến sát lãnh thổ Ukraina, với hơn 100.000 lính Nga đồn trú ở khu vực biên giới giữa hai nước.

"Chúng tôi tiếp tục ghi nhận các đơn vị từ nhiều khu vực ở Nga đang tiến đến gần biên giới với Ukraina và Belarus trong 24 giờ qua. Tôi sẽ không đưa ra số liệu cụ thể, nhưng các con số vẫn tăng lên. Họ đang duy trì hơn 100.000 binh sĩ ở biên giới (với Ukraina)", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói trong cuộc họp báo ở thủ đô Washington D.C. hôm 9/2.

Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 8/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khuyến cáo công dân Mỹ nên rời khỏi Ukraina giữa lúc căng thẳng leo thang. "Tôi không muốn chứng kiến cảnh họ bị trúng đạn nếu xung đột xảy ra", ông Biden nói.

Người đứng đầu nước Mỹ cũng thừa nhận Nga có khả năng tấn công quân sự vào Ukraina, nhưng ông không chắc liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có dám triển khai kế hoạch này hay không.

Trước đó, Mỹ đã hối thúc công dân của mình không đến Ukraina và cũng thông báo kế hoạch rút bớt nhân viên ngoại giao cùng thân nhân khỏi Ukraina, dù Đại sứ quán Mỹ ở Kiev vẫn sẽ tiếp tục mở cửa.

Những động thái trên được triển khai giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraina đang leo thang. Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị "động binh" với Ukraina sau khi đưa hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới với nước láng giềng. Để chuẩn bị cho kịch bản xung đột hai bên nổ ra, Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong đó có Anh, đã vận chuyển vũ khí giúp Ukraina tăng cường năng lực quốc phòng.

Moscow thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc trên, và khẳng định việc triển khai quân đến gần lãnh thổ Ukraina chỉ mang mục đích tự vệ. Nga cũng bày tỏ lo ngại trước việc NATO tiếp tục mở rộng hoạt động về Đông Âu, đặc biệt là quan điểm Ukraina có thể gia nhập khối quân sự này.

>>> Cập nhật tình hình căng thẳng tại Ukraine

Việt Anh

Anh đề xuất tăng quân đến 'cửa ngõ' Nga

Anh đề xuất tăng quân đến 'cửa ngõ' Nga

Thủ tướng Boris Johnson sẽ đề xuất tăng cường sự hiện diện quân sự của Anh ở "cửa ngõ" nước Nga khi ông tới Ba Lan gặp lãnh đạo khối NATO.

Điều người Nga không thể bỏ qua nếu 'động binh' với Ukraina

Điều người Nga không thể bỏ qua nếu 'động binh' với Ukraina

Kể cả ở thế kỷ 21, chiến tranh vẫn bị ảnh hưởng bởi thời tiết và không có ngoại lệ nếu Nga định động binh với Ukraina.