Hôm nay Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 75 năm vụ thảm sát người Trung Quốc tại Nam Kinh do quân đội Nhật tiến hành. Buổi lễ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai quốc gia trở nên xấu hơn sau các tranh chấp về chủ quyền biển đảo.

Đài Tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Nam Kinh
Hai quốc gia là nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới đã có quan hệ thương mại và kinh doanh mở rộng trong những năm qua, tuy nhiên những ân oán lịch sử vẫn còn đè năng lên quan hệ hai nước cho tới ngày nay.

Trung Quốc nói rằng có 300.000 người dân và binh lính đã thiệt mạng trong vụ thảm sát, cưỡng bức và hủy hoại trong sáu tuần kể từ khi quân đội Nhật tiến vào thủ đô ngày 13/12/1937.

Tuy nhiên, một số học giả nước ngoài và cả sử gia Trung Quốc là Jonathan Spence lại cho rằng con số thương vong là 42.000 binh sĩ và người dân, và có 20.000 phụ nữ đã bị cưỡng bức trong sự kiện này. Rất nhiều phụ nữ sau đó đã chết.

Tại Đài tưởng niệm Thảm sát Nam Kinh, các binh sĩ mang theo những vòng hoa đặt lên đài trong ánh mắt của các du khách. Đây là một sự kiện chỉ những người được mời tham dự.

Một học giả Trung Quốc nói rằng buổi lễ kỷ niệm 75 năm này đã diễn ra trong bối cảnh làm gia tăng thêm tình trạng u ám trong quan hệ giữa hai nước.

"Chúng ta vẫn cần cảnh báo nghiêm túc về xu hướng ở Nhật nhằm phủ nhận thực tế xâm lược của Nhật trong thời chiến tranh" - ông Wu Jinan thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nói.

"Buổi lễ kỷ niệm có thể chỉ làm cho quan hệ nguội thêm một mức để tới điểm 'đóng băng'. Hiện nay, khó có thể nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự cải thiện".

Những cuộc biểu tình chống Nhật bùng nổ trên khắp các thành phố Trung Quốc trong năm nay ước tính gây thiệt hại cho Nhật Bản khoảng 100 triệu USD, sau khi Tokyo quyết định quốc hữu hóa các đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật gọi là Senkaku. Các đảo này hiện do Nhật quản lý.

Một quan chức ngoại giao Nhật nói rằng Tokyo hy vọng có một sự cải thiện trong quan hệ với Trung Quốc sau khi Nhật Bản tiến hành tổng tuyển cử và các quá trình chuyển giao lãnh đạo tại Trung Quốc hoàn tất vào năm sau.

Phía Nhật Bản nói rằng họ từng xin lỗi các quốc gia châu Á một lần vào năm 2005, khi Thủ tướng Junichiro Koizumi đã nói rằng ông bày tỏ "sự hối tiếc sâu sắc và lời xin lỗi từ tận đáy lòng", nhắc lại những gì đã được nói trong một phát biểu khác vào năm 1995.

  • Lê Thu (theo CNA)