Xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là vấn đề mang tính quy luật, là đòi hỏi khách quan đối với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra những cơ hội và thách thức mới trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định: xây dựng Bộ đội Biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, có chất lượng tổng hợp cao, vững về chính trị, tư tưởng, giỏi về quân sự, am hiểu về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, thành thạo ngoại ngữ, tiếng các nước láng giềng, tiếng đồng bào dân tộc. Thường xuyên “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, bảo vệ dân, bảo vệ biên giới. Đồng thời, chú trọng bảo đảm phương tiện, trang bị, vũ khí hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong mọi tình huống.
Hiện nay, tình hình xâm phạm, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tranh chấp, bất đồng về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển giữa các nước, nhất là trên Biển Đông có xu hướng gia tăng, ngày càng phức tạp, khó dự báo.
Tình hình vi phạm chủ quyền, lãnh thổ và an ninh trật tự trên các tuyến biên giới nước ta đã, đang xuất hiện những phương thức, thủ đoạn mới; vấn đề biên giới, lãnh thổ gắn với vấn đề dân tộc, tôn giáo trở thành trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch; các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, có vũ trang, xuyên biên giới có chiều hướng gia tăng; cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng ngày càng toàn diện, nặng nề, phức tạp, v.v.
Trung tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong một bài phân tích mới đây cho hay, quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xác định cần tập trung thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, biên phòng. Chủ động nghiên cứu, phối hợp với các lực lượng nắm, đánh giá, dự báo từ sớm, từ xa, sát đúng tình hình, kịp thời báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiệm vụ biên phòng và xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc; tổ chức thực hiện Luật Biên phòng Việt Nam và các nghị định, thông tư triển khai thi hành Luật. Nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tập trung mọi nguồn lực sớm hoàn thành xây dựng hệ thống các công trình phục vụ quản lý, bảo vệ biên giới, tìm kiếm, cứu nạn và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; có biện pháp đấu tranh kịp thời với các hoạt động làm thay đổi hiện trạng đường biên giới quốc gia.
Triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Trọng tâm là phối hợp tổ chức thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới; tham gia đàm phán các vùng biên giới chồng lấn và giải quyết 16% khối lượng công việc còn lại tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động, chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy và mua bán người, giữ vững an ninh, trật tự địa bàn khu vực biên giới. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh theo hướng hiện đại tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Tổ chức thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước. Trong đó, cần kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân ở khu vực biên giới. Đẩy mạnh và phát huy kết quả hình thức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; nhân rộng mô hình kết nghĩa giữa các địa phương và nhân dân hai bên biên giới. Phối hợp, triển khai mô hình hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới của Việt Nam với lực lượng hữu quan của các nước láng giềng và các nước liên quan; củng cố, xây dựng lòng tin chiến lược, hướng đến hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, lực lượng chức năng các nước trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống dịch bệnh, di, dịch cư tự do; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế có liên quan. Chú trọng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu vực biên giới, tạo nền tảng xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới vững mạnh. Phát huy vai trò của cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã biên giới; cán bộ Biên phòng tăng cường xã, đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản và phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới. Tiếp tục phát huy hiệu quả các phong trào, mô hình, cuộc vận động thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Tham mưu xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, đồng bộ; trọng tâm là xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức lực lượng Bộ đội Biên phòng giai đoạn 2017 - 2021 và những năm tiếp theo”. Tập trung đầu tư phương tiện, trang bị tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, công tác của Bộ đội Biên phòng theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả, phấn đấu năm 2030 tiến lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bạch Hân (lược trích), Duy Khánh, Hoàng Hà