Hiện nay, tại Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất làm việc, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất; tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Tháng 5/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp”. Phát biểu tại sự kiện Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Ngành nông nghiệp là ngành nhiều dữ liệu nhất nhưng thu thập được ít dữ liệu nhất hiện nay. Vì vậy dẫn đến nhiều khó khăn”.

Với quan điểm không có dữ liệu không có chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  nhấn mạnh việc đầu tiên cần làm của chuyển đổi số ngành nông nghiệp là xây dựng cơ sở dữ liệu. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số của ngành nông nghiệp sẽ cho phép lao động nông nghiệp giảm được tới 23% chi phí. Quản lý đất đai nông nghiệp bằng công nghệ số, nhất là GPS, giảm được chi phí tới 14%. Dùng công nghệ số để bón phân tuỳ biến theo từng loại cây trồng thì tiết kiệm được tới 12%. Lái xe tự động trong nông nghiệp cũng giúp giảm tới 13% chi phí.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Nhận thức rõ điều này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Tập đoàn VNPT phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp. Đây là bước đi quan trọng của ngành để gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường, giúp cho việc cập nhật, kết nối, chia sẻ thông tin nhanh chóng và tiện lợi. Chuyển đổi số ngành nông nghiệp được xây dựng dựa trên 3 trụ cột gồm: Bộ số; kinh tế nông nghiệp số; nông thôn và nông dân số.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số đối với 2 lĩnh vực là chăn nuôi và trồng trọt. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chăn nuôi đã được thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi; chủ động kết nối về thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Với ngành trồng trọt, hiện nay cả nước có trên 4,8 triệu ha diện tích cây lâu năm, trong đó cây ăn quả 1,17 triệu ha, cây công nghiệp 2,2 triệu ha, diện tích canh tác lúa 3,9 triệu ha, thanh long hơn 64.000 ha… Vừa qua, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Tập đoàn VNPT tổ chức thực hiện thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, với địa chỉ website csdltrongtrot.mard.gov.vn, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn sản xuất và nhu cầu công tác quản lý theo Luật Trồng trọt.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt sẽ là nền tảng để tạo sự kết nối chủ động, chia sẻ thông tin hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt. Hệ thống này sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời các dữ liệu về trồng trọt như: Dữ liệu về danh mục giống lưu hành, giống cây trồng được bảo hộ, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, văn bản quy phạm pháp luật, vùng trồng...