Nước sạch là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống hàng ngày, một đòi hỏi bức thiết trong việc bảo vệ sức khỏe và cải thiện sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, đây cũng là một tiêu chí trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận, sử dụng nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý để không ai bị bỏ lại phía sau là mục tiêu mà Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và mọi người dân nông thôn đều hướng tới.
Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 quy định các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt từ 45% trở lên (trong đó từ 20% trở lên số hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung). Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có từ 55% trở lên số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Hơn 74% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn
Theo thông tin của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tính đến cuối năm 2023, trên toàn quốc có 74,2% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn, trong đó có 55,1% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung và 19,1% số hộ sử dụng nước từ cấp nước hộ gia đình.
Trong 07 vùng, vùng Đồng bằng sông Hồng có số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn cao nhất (91,9%) so với các vùng khác trên phạm vi toàn quốc; vùng Tây Nguyên có số hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất (39,5%).
Vùng miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất trên toàn quốc và đây cũng là những vùng có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất so với các vùng khác và so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.
Mặc dù có 74,2% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, nhưng tại một số tỉnh vẫn còn tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung rất thấp trên cả nước như: Hà Giang (7,7%), Gia Lai (7,7%), Yên Bái (11,4%), Cao Bằng (12,6%), Lâm Đồng 12,8%, Điện Biên (13,5%).
Cấp nước nông thôn cũng đã góp phần vào kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, cả nước có 6.289/8.162 xã (đạt 77,1%) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 2.146 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 465 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 6.512/8.162 xã (79,7%) đạt tiêu chí về Môi trường và an toàn thực phẩm; trong đó có chỉ tiêu về nước sạch nông thôn.
Hiện cả nước có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 9.374.264 hộ gia đình nông thôn; trong đó có 32,0% công trình hoạt động bền vững; 26,3% công trình hoạt động tương đối bền vững; 27,0% công trình hoạt động kém bền vững và 14,8% công trình không hoạt động.
Số công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động (41,8%), ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hộ (chiếm 1,2% dân số nông thôn), chủ yếu là công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô rất nhỏ, do UBND xã và cộng đồng quản lý vận hành.
Trong 2.680 công trình cấp nước không hoạt động (14,8%), trên thực tế nhiều công trình chỉ còn danh mục trên sổ sách, dữ liệu kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn. Hiện nay, theo chỉ đạo, các Sở NN&PTNT các tỉnh đang tích cực phối hợp với Sở Tài chính thực hiện thủ tục thanh lý, hủy tài sản để đưa ra khỏi danh mục.
Theo lãnh đạo ngành Thủy lợi, mục tiêu đến năm 2030, 100% các tổ chức quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý khai thác; 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn.
Để đạt mục tiêu trên, cần rà soát, đánh giá năng lực, hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước, chuyển giao quản lý khai thác công trình cấp nước cho những đơn vị có đủ năng lực. Xây dựng và thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá nước sạch nông thôn; thực hiện bù chéo chi phí trong quản lý vận hành công trình cấp nước tiến tới quy định giá nước cho từng công trình…
Cùng với nguồn hỗ trợ, nguồn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án có cùng mục tiêu về nước sạch nông thôn cần huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ sớm ban hành Nghị định quản lý nước sạch nông thôn.