Công tác quản lý nhà nước đối với TTTC từng bước được hoàn thiện. Một hệ thống khuôn khổ pháp lý cần thiết cho sự vận hành của thị trường đã được hình thành. Các sản phẩm của TTTC đã từng bước được đa dạng hóa và không ngừng nâng cao về chất lượng dịch vụ. Hệ thống các văn bản pháp lý trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ; hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán được ban hành kịp thời, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Khuôn khổ hành lang pháp lý đối với hoạt động quản lý, giám sát của TTTC cũng dần hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển: đối với hoạt động giám sát ngân hàng, đã có Thông tư số 10/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về xử lý sau thanh tra, giám sát đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Chỉ thị số 03/NHNN về công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng,…
Đối với hoạt động giám sát thị trường chứng khoán, có Luật Chứng khoán, các nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán,… Trong lĩnh vực bảo hiểm, có Nghị định số 41/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm,…
Thực hiện tốt việc tái cơ cấu lại TTTC. Tái cơ cấu được một loạt tổ chức tín dụng yếu kém; thanh khoản của các tổ chức tín dụng này được cải thiện, chất lượng tài sản tốt hơn, vốn chủ sở hữu được bổ sung giúp các ngân hàng tăng cường khả năng chống đỡ rủi ro và các mặt hoạt động khác như chiến lược, đầu tư,… cũng được củng cố.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm, lạm phát đã được kiềm chế, tỷ giá hối đoái ổn định và dự trữ ngoại hối tăng. Chiến lược xử lý nợ xấu được thông qua và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời, góp phần tích cực vào quá trình lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính giảm mạnh, các tài sản có rủi ro cao và thanh khoản thấp, trong khi vốn khả dụng tăng cao.
Xây dựng bộ máy giám sát tài chính đồng bộ để quản lý thị trường tài chính với các cơ quan như: Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trực thuộc Bộ Tài chính; Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia,…
Tuy nhiên, quản lý nhà nước trong phát triển TTTC ở nước ta thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định: Công tác quản lý TTTC chưa theo kịp với xu thế phát triển của thế giới, hành lang pháp lý cho hoạt động giám sát tài chính còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ theo chuẩn quốc tế,... Hành lang pháp lý trong kinh doanh tiền tệ tuy đã phủ kín, nhưng còn nhiều kẽ hở, trong khi việc giám sát hành vi kinh doanh của các chủ thể trên thị trường lại chưa được quan tâm. Vì thế, hành vi “lách” luật thường diễn ra ở một số lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, tín dụng, lãi suất và tỷ giá,…
Việc ngân hàng sử dụng các công ty con để luân chuyển vốn cũng như sở hữu chéo giữa ngân hàng với ngân hàng, giữa ngân hàng với doanh nghiệp đã phần nào làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, Bên cạnh đó, việc giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán chưa đáp ứng được những biến động nhanh nhạy của thị trường. Việc sử dụng các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để điều tiết, định hướng TTTC thực hiện chưa hiệu quả, nhất là trong huy động, cung ứng vốn cho nền kinh tế; Cơ cấu lại TTTC còn khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tư nhân để tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 42/2017-QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả.
Văn Thường, Hồng Hạnh, Kim Chi