Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Trung tâm Y tế các khu công nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý, theo dõi công tác an toàn lao động tại các DN. Định kỳ hằng năm DN phối hợp với cơ quan chức năng quan trắc môi trường lao động. 

Ảnh minh hoạ: Một góc thành phố Bắc Giang

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh, Bắc Giang có 826 doanh nghiệp có yếu tố có hại với tổng số 240 nghìn lao động làm việc đang được quản lý.

Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Thông tư số 19/2011/TT-BYT (hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp, hằng năm, doanh nghiệp phải tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất một lần để đánh giá yếu tố có hại phù hợp với tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. 

Ngoài chấp hành quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, việc quan trắc môi trường lao động còn có ý nghĩa phòng ngừa và giảm thiểu những ảnh hưởng của yếu tố có hại trong môi trường lao động đối với sức khỏe người lao động. 

Dựa trên kết quả các mẫu đo cụ thể (áp dụng với từng lĩnh vực sản xuất) mà đơn vị quan trắc sẽ đánh giá được các yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh nghề nghiệp. Từ đó, yêu cầu doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe cho những lao động làm việc ở những vị trí tương ứng, kịp thời phát hiện các bệnh liên quan đến nghề nghiệp để điều trị, bố trí công việc phù hợp.

Quy định là vậy song vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Năm ngoái, ngành Y tế đã tổ chức tổng điều tra, rà soát, thống kê, đánh giá và phân cấp quản lý đối với cơ sở lao động có yếu tố nguy hại gây bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra trong số 826 doanh nghiệp thì có tới 601 doanh nghiệp chưa thực hiện quan trắc môi trường, chiếm tỷ lệ 73,2%; 68% doanh nghiệp không lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, 53% đơn vị chưa có phòng y tế. 

Như Sỹ và nhóm PV, BTV