Cà Mau là tỉnh duy nhất cả nước có 3 mặt giáp biển, có thế mạnh nuôi trồng thủy sản, với đối tượng nuôi chính là tôm và cua. Trong đó, tôm tạo ra giá trị lớn nhất và là sản phẩm gắn bó mật thiết với đời sống, sinh kế của người dân. Nhiều năm qua, kinh tế thủy sản luôn là thế mạnh của vùng. Cà Mau đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm nuôi. Tuy nhiên, việc phát triển thủy sản của vùng còn rất nhiều vướng mắc, hạn chế như công tác quản lý, nguồn con giống, địa bàn rộng,...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau (2023b), dịch bệnh trên cua xảy ra vài năm gần đây và có dấu hiệu tăng dần. Từ năm 2020 đến nay nghề nuôi cua trong đầm tôm tại Cà Mau đã gặp không ít khó khăn đó là tình trạng cua nuôi thương phẩm chết chưa rõ nguyên nhân. Khi cua bệnh chết thường có diễn biến thay đổi của thời tiết, môi trường bất thường như nắng nóng gay gắt làm cho nhiệt độ và độ mặn tăng cao cùng với mưa nhiều và mưa trái mùa. Do vậy, việc theo dõi biến động môi trường của đầm tôm – rừng là rất cần thiết.
Mô hình nuôi tôm, cua trong hệ sinh thái rừng ngập mặn đang được chú trọng phát triển và bảo vệ vì đây là môi trường hay mô hình sinh thái phát triển bền vững trong hệ sinh thái. Tuy nhiên, nguồn nước trong đầm được thay đổi với chu kỳ 2 lần trên tháng theo triều và tập quán của người nuôi khi thay nước với trữ lượng lớn đã làm chất lượng nước trong đầm biến động và thay đổi nhanh chóng. Việc làm này sẽ là một tác động rất lớn đối với các đối tượng thủy sản nuôi và các đối tượng tự nhiên như giun nhiều tơ có trong đầm nuôi vì sự thay đổi môi trường, nhất là độ mặn bị thay đổi đột ngột.
Môi trường nước trong đầm nuôi tôm - rừng là rất quan trọng, nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của thủy sinh vật mà còn ảnh hưởng đến cả cây rừng trong đầm nuôi. Do vậy, việc tìm hiểu về diễn biến, sự thay đổi các yếu tố, chất lượng môi trường nước trong đầm tôm - rừng ngập mặn theo thời gian là hết sức cần thiết để cung cấp dữ liệu cho quy hoạch, bảo vệ và phát triển mô hình nuôi, hệ sinh thái này.
Là một phần trong nội dung nghiên cứu thuộc đề tài “Nghiên cứu hiện trạng nguồn lợi và sinh sản nhân tạo, nuôi thử nghiệm loài giun nhiều tơ (rươi) Dendronereis chipolini ở vùng rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau” do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện theo hợp đồng số 03/HĐ-SKHCN, ký ngày 19/01/2022 giữa Trường Đại học Cần Thơ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, năm 2022, nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Trung Giang, Âu Văn Hóa, Vũ Hùng Hải và Vũ Ngọc Út - Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, tác giả Huỳnh Dục Bé - Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau thực hiện nhằm theo dõi diễn biến chất lượng nước trong mô hình tôm – rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau trong 12 tháng.
Theo đó, nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01 đến tháng 12/2022 tại 9 đầm tôm - rừng ngập mặn thuộc 3 huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau. Mỗi huyện thu 3 đầm tôm và được thu định kỳ mỗi tháng 1 lần vào tuần thứ 3 mỗi tháng, trước khi xả thải nước theo triều. Các đầm tôm rừng ngập mặn được chọn thu mẫu với tỷ lệ che phủ rừng khác nhau. Diện tích đầm nuôi tôm - rừng trung bình từ 5 đến 8 ha. Đối tượng nuôi chính là tôm sú và cua, ngoài ra các đầm nuôi này còn xuất hiện nhóm giun nhiều tơ (rươi) với trữ lượng lớn qua các năm gần đây. Nguồn nước được trao đổi trực tiếp từ kênh cấp với tần suất 2 tuần/lần. Đầm tôm rừng ngập mặn được nuôi theo mô hình tôm rừng sinh thái, không bổ sung nguồn thức ăn và nông hộ nuôi có hơn 10 năm kinh nghiệm.
Số liệu được thống kê theo đầm nuôi, khu vực qua các đợt thu mẫu và so sánh, đánh giá sự thay đổi, diễn biến khác nhau của các thông số môi trường nước trong cùng một đợt thu mẫu hoặc qua thời gian thu mẫu bằng phần mềm Microsoft Excel. Các thông số phân tích được xử lý và dựa theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2023/BTNMT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thủy sinh (QCVN38:2011/BTNMT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10-MT:2015/BTNMT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ - Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm (QCVN02-19:2014/BNNPTNT) và Quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo Thông tư số 44/2010/TT-BNNPTNT cũng như các chỉ số dùng trong nuôi trồng thủy sản để đánh giá, nhận xét.
Mẫu nước được thu hàng tháng tại 9 đầm tôm. Kết quả ghi nhận chất lượng môi trường nước trong các đầm tôm – rừng khá biến động, đặc biệt vào các tháng mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 trong năm. Tuy nhiên, các chỉ số vẫn trong khoảng phù hợp cho sự sinh trưởng của tôm, cua hay các đối tượng khác trong đầm. Độ mặn tại các ao nuôi khá cao, trung bình là 27,8±3,7‰, dao động từ 15,7~34,0‰. Các hàm lượng đạm (TAN:NH3/NH4+, NO2-; NO3-) và lân (PO43-) hòa tan trong nước ở mức thấp. Khí H2S trong nước ở mức thấp, không ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh vật. Diện tích rừng trong ao nuôi ảnh hưởng đến hàm lượng TN, TP và chlorophyll-a trong nước, có thể gây phú dưỡng, ô nhiễm thủy vực. Hàm lượng TSS khá cao nên chú ý khi lấy nước vào ao nuôi, đặc biệt vào các thời điểm thả giống.
Sau 12 tháng triển khai, nhóm tác giả kết luận: Chất lượng môi trường nước trong các đầm nuôi tôm - rừng ngập mặn tại 3 huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau khá biến động, đặc biệt vào mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 9 trong năm. Tuy nhiên, các chỉ số vẫn trong khoảng phù hợp cho sự phát triển, sinh trưởng của thủy sinh vật, đặc biệt là đối tượng tôm, cua và bao gồm cả nhóm giun nhiều tơ phân bố trong đầm nuôi.