Quản trị tốt - điều kiện cần để kinh doanh tốt

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh cho tầm quan trọng của quản trị công ty đối với kết quả hoạt động và sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến những tác động cụ thể như nâng cao hiệu quả vận hành và chất lượng quản trị rủi ro; nâng cao giá trị doanh nghiệp và giá cổ phiếu; tăng cường khả năng tiếp cận vốn; duy trì tính kế thừa giữa các đội ngũ điều hành/quản trị.

Báo cáo tổng kết về tình hình quản trị công ty (QTCT) của các tổ chức tham gia Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết Việt Nam các năm gần đây cũng cho thấy, các doanh nghiệp niêm yết có điểm QTCT cao, đồng thời ghi nhận các tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận trên tài sản (ROA) và hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (P/E) cao.  Điều này phần nào phản ánh mối tương quan giữa quản trị tốt và kết quả tài chính tốt và đây là những yếu tố mà nhà đầu tư rất quan tâm.

{keywords}
 

Ví dụ cụ thể, theo kết quả chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch của doanh nghiệp UPCoM quy mô lớn, điểm công bố thông tin và minh bạch có mối quan hệ tích cực với kết quả kinh doanh được đo bằng ROE, ROA, đánh giá của thị trường đối với doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn được đo bằng chỉ số TobinQ và TobinQ1. Kết quả cho thấy rằng, mỗi 1% tăng của điểm công bố thông tin và minh bạch đồng nghĩa với việc ROA tăng 0,08% và ROE tăng 0,17%.

Từ góc nhìn của giới đầu tư, IFC đã kiểm nghiệm và khẳng định những lợi ích này. Một nghiên cứu về các khoản đầu tư vốn của IFC cho thấy, các công ty có hệ thống quản trị mạnh mẽ có tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao gần gấp ba lần các công ty quản trị yếu kém. Hơn nữa, các công ty này có xếp hạng rủi ro tín dụng thấp hơn và có kết quả phát triển mạnh mẽ hơn (IFC, 2018).

Đây là lý do những doanh nghiệp đứng top đầu giải quản trị công ty tốt nhất trong những năm qua đều là những công ty có kết quả hoạt động kinh doanh tích cực.

{keywords}
 

Điểm sáng quản trị công ty tốt

Là doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp sữa Việt Nam, Vinamilk đồng thời là một doanh nghiệp điển hình cho sự chuyên nghiệp, minh bạch thông tin, giữ được niềm tin với khách hàng, cổ đông, đối tác. 

Một trong những nỗ lực đáng chú ý của Vinamilk trong việc nâng cao thực tiễn quản trị doanh nghiệp là việc quyết định thay đổi từ mô hình ban kiểm soát sang mô hình tiểu ban kiểm toán (tên gọi khác là ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT). Với mô hình này, chức năng giám sát được chuyển về HĐQT, xóa bỏ ban kiểm soát tồn tại lâu nay. HĐQT sẽ có sự tham gia của các thành viên độc lập, giám sát HĐQT và ban giám đốc. Cụ thể, Vinamilk chia tiểu ban kiểm toán thành ba ban và cả ba người đều là thành viên HĐQT độc lập. 

{keywords}
 

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Luật Doanh nghiệp cho phép công ty cổ phần được lựa chọn mô hình hai cấp. Mô hình thứ nhất gồm: Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc và ban kiểm soát. Đây là mô hình đang được các công ty cổ phần tại Việt Nam áp dụng phổ biến.

Mô hình quản trị truyền thống này đã không còn phù hợp. Bởi thực tế cho thấy nhiều vụ việc liên quan đến hành vi vụ lợi của ban giám đốc đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cổ đông công ty nhưng không hề có bất kỳ tiếng nói cảnh báo từ ban kiểm soát cho đến khi vụ việc bị phát giác muộn màng.

“Mặc dù ban kiểm soát đóng vai trò giám sát nhưng tại nhiều công ty thường không thể hiện hết chức năng này hoặc bị vô hiệu hóa, tệ hơn là lập ra cho đủ ban bệ, hình thức. Nguyên nhân, người nắm giữ vai trò kiểm soát là cấp dưới của ban điều hành hay giám đốc nên không có thực quyền”, ông Hiếu phân tích.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp cũng cho phép công ty cổ phần có thể chọn mô hình quản trị một cấp không có ban kiểm soát, thay vào đó là tiểu ban kiểm toán và đây hiện là mô hình quản trị rất phổ biến tại các nước như Anh, Mỹ. Mô hình tiểu ban kiểm toán thể hiện sự giám sát hiệu quả, hướng đến việc quản trị công ty minh bạch, công bố thông tin kịp thời mọi vấn đề có liên quan đến lợi ích cổ đông. Đồng thời mô hình này cũng giúp giảm nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý, điều hành, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ.

{keywords}
 

Nhờ việc chú trọng tới yếu tố quản trị, Vinamilk đang chứng tỏ sức mạnh của doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa, vươn tầm ra thị trường quốc tế và hiệu quả sản xuất - kinh doanh luôn ở mức ấn tượng. Mới đây, Vinamilk cũng là doanh nghiệp thuộc Top 10 bảng xếp hạng về chỉ số Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE: Return On Equity) theo bảng xếp hạng của Nikkei. Chỉ số tài chính này thể hiện cho tính hiệu quả trong kinh doanh của một doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2018, ROE của Vinamilk đạt 40,7% và ổn định trong nhiều năm liên tiếp.

Bên cạnh đó, Vinamilk là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt Top 50 doanh nghiệp quyền lực và có giá trị nhất châu Á, theo Nikkei Asian Review.

Từ câu chuyện của Vinamilk nhìn rộng ra thị trường chung, dễ nhận thấy, những doanh nghiệp lớn, có lợi nhuận cao bậc nhất trên thị trường đồng thời cũng là những doanh nghiệp luôn nỗ lực minh bạch, áp dụng các thông lệ quản trị tốt. Quản trị công ty tốt chính là chìa khoá nâng giá trị của doanh nghiệp, là điều kiện không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển lâu dài của công ty.

Doãn Phong