Xác định giáo dục nghề nghiệp là khâu quan trọng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp và kiện toàn hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, xây dựng chương trình, giáo trình và cấp bằng chứng chỉ đào tạo, tự chủ về tài chính...

{keywords}
Tỉnh Quảng Bình chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực có tay nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn. Ảnh minh họa

Toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 02 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp, 08 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, 01 trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và 01 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp (của doanh nghiệp), 04 đơn vị khác có tham gia đào tạo nghề dưới 03 tháng. Quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.000 người, trong đó đào tạo trung cấp, cao đẳng hơn 4.000 người.

Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức nhiều lớp đặt hàng đào tạo nghề với sự liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo như nghề may công nghiệp giữa Trường Cao đẳng Nghề với Xí nghiệp May Hà Quảng, Công ty TNHH Tấn Phát, Công ty TNHH Hoa Sen; Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề các huyện Bố Trạch, Minh Hóa phối hợp với Nhà máy May Đại Thành; Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên phối hợp với Công ty TNHH Thăng Long; nghề đan lát thủ công, làm nón lá, làm chổi giữa các cơ sở đào tạo với các làng nghề, hợp tác xã. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đăng ký hoạt động, tham gia đào tạo nghề và tuyển dụng lao động sau học nghề như: Công ty TNHH Vạn Xuân, Xí nghiệp May Hà Quảng. Sau học nghề, 90% học viên vào làm việc với thu nhập bình quân 3,5 - 06 triệu đồng/người/tháng.

Chủ động hội nhập

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước tổ chức thực hiện chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, chuyển đổi linh hoạt phương thức đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cụ thể như Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình được Dự án ODA Hàn Quốc và sự hỗ trợ không hoàn lại của tổ chức hợp tác quốc tế KOICA về trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ nhà giáo được đào tạo nâng cao, chuyển giao công nghệ tại Hàn Quốc trị giá 500.000 USD. Nhiều nhà giáo và cán bộ quản lý của Trường được sang Hàn Quốc học tập.

Việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là cơ hội tốt cho các trường đào tạo nghề tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về GDNN của các nước trong khu vực và trên thế giới theo nguyên tắc giữ độc lập, tự chủ, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi; đồng thời cũng tranh thủ các cơ hội để thu hút hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao quy mô và chất lượng nguồn nhân lực.

Song song với các hoạt động đổi mới quản lý dạy nghề, đào tạo nghề..., công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức dạy nghề được các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ đào tạo nghề, tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền chính sách, pháp luật về đào tạo nghề cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về GDNN cấp huyện, cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN và cơ sở tham gia đào tạo nghề dưới 03 tháng.

Tính từ năm 2011 - 2019, toàn tỉnh đã có 1.235 lượt người được tập huấn. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên cũng tích cực tư vấn, tuyển sinh học nghề, phổ biến các chính sách hỗ trợ học nghề, thông tin về nhu cầu tuyển dụng đến với người dân không chỉ khu vực thành thị đồng bằng mà cả vùng sâu, vùng xa.

Để tiếp tục phát triển GDNN, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng sắp xếp lại các cơ sở GDNN theo hướng thu gọn đầu mối, các trường chỉ phát triển những ngành, nghề thế mạnh, tránh đầu tư dàn trải, khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo nghề tư thục; đổi mới công tác quản lý Nhà nước về GDNN, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở GDNN; nâng cao chất lượng GDNN, góp phần đào tạo nguồn nhân lực lao động có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; thiết lập mạng lưới tuyển sinh đến cấp huyện, xã và các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp; ưu tiên địa bàn tuyển sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, các đối tượng chính sách, nhóm yếu thế trong xã hội.

Mặt khác, tỉnh cũng tiếp tục nhân rộng những mô hình dạy nghề có hiệu quả, trong đó chú trọng dạy nghề gắn với các ngành nghề phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, huyện điểm, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn về GDNN...

Ngọc Anh