Quảng cáo thuốc trái phép lại ngập tràn YouTube
Quảng cáo thuốc Đông y gia truyền từng làm loạn Facebook vài năm về trước.

Vài năm về trước, tình trạng quảng cáo thuốc Đông y không rõ nguồn gốc (thực chất là thực phẩm chức năng) đã làm náo loạn cả Facebook. Những loại thuốc được quảng cáo có công dụng thần kỳ như mọc tóc tức thời, chữa các bệnh về gan, thận, yếu sinh lý, chữa dứt điểm các bệnh hen suyễn, viêm xoang khiến nhiều người Việt mắc lừa.

Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, xác định các sản phẩm này là thực phẩm chức năng (hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe), không có công dụng chữa bệnh (chỉ có tác dụng hỗ trợ), tất cả mới ngã ngửa. Thời điểm đó, chạy quảng cáo thuốc Đông y trên Facebook được xem là ‘mỏ vàng’ chốt đơn của giới bán hàng online.

Cho đến khi Bộ Y tế vào cuộc, yêu cầu Facebook xử lý dứt điểm tình trạng này, quảng cáo các loại thuốc ở Việt Nam nói chung mới bị cấm cửa. Từ đó đến nay, thuốc trở thành vùng cấm rất khó lên chiến dịch chạy quảng cáo trên Facebook.

Bẵng đi một thời gian, khi quảng cáo Facebook hướng đến trang đích (gọi là landing page) ngày càng bị siết chặt, quảng cáo thuốc lại bất ngờ đổ bộ đến miền đất mới mang tên YouTube.

“Bà con bị viêm xoang lâu ngày gọi ngay đến số hotline sau”, giọng nói đều đều cất lên mỗi khi kết thúc một clip YouTube gây ám ảnh anh Lê Thành Nam (26 tuổi, Thái Bình) từ nhiều ngày qua. Là một người hoàn toàn khỏe mạnh, anh Nam cho biết khá bất ngờ khi bị ‘tra tấn’ bởi quảng cáo này dù trước đó không hề tìm hiểu về những loại thuốc Đông y. 

Quảng cáo thuốc trái phép lại ngập tràn YouTube
Giờ đây các loại thuốc lại được quảng cáo ngập tràn cả YouTube.

Mô hình thường thấy của những loại quảng cáo này là nói sai sự thật, không đúng công dụng, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Thậm chí, do đặc thù là clip, các loại quảng cáo này còn lồng ghép một số đoạn video phỏng vấn những người chữa khỏi bệnh và phần tư vấn của các PGS, TS, chuyên gia y tế.

Điều này khiến người tiêu dùng có thể hiểu sai, hiểu chưa đúng về công dụng của sản phẩm, dẫn tới tốn tiền mà chưa chắc khỏi được bệnh. Đặc biệt, sử dụng sản phẩm không đúng công dụng có thể khiến cho việc chữa trị của người bệnh bị kéo dài và gây ra hậu quả khó lường. 

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã xử phạt 45 cơ sở kinh doanh với tổng số tiền là 2,9 tỷ đồng. Trong đó, đa số vi phạm của các công ty là hành vi quảng cáo sản phẩm trên website (landing page) không phù hợp với tài liệu theo quy định.

Trên trang chủ, Cục cũng liên tục phát đi thông báo đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Mặc dù bị xử phạt liên tục, dễ thấy các hoạt động quảng cáo thuốc ‘núp bóng’ thực phẩm chức năng vẫn liên tục biến tướng trên những nền tảng xuyên biên giới như YouTube hay Facebook. Vì thế người tiêu dùng luôn phải đề cao cảnh giác và tuyệt đối không vội tin tưởng bất kỳ loại quảng cáo nào trên mạng.

Phương Nguyễn