Là xã miền núi của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, xã Quang Minh có diện tích 5.001,35 ha, dân số 2.335 hộ, 10.395 khẩu, gồm 15 dân tộc anh em.
Là nơi sản xuất nông nghiệp trọng tâm của huyện Bắc Quang
Quang Minh được đánh giá là nơi sản xuất nông nghiệp trọng tâm của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp xã Quang Minh đã triển khai có hiệu quả chương trình này, ban đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Với mô hình trồng dưa liên kết đã có sự lan tỏa tích cực trên địa bàn xã Quang Minh. Hiện nay xã cũng đã thành lập Tổ hợp tác liên kết trồng dưa với HTX Hướng Đạo để khai thác những lợi thế trên các cánh đồng đã dồn điền đổi thửa.
Năm 2023, thôn Hoàng Văn Thụ, xã Quang Minh đã triển khai dồn điền, đổi thửa để tổ chức lại sản xuất tại cánh đồng Nà Tha, có diện tích dự kiến 8,5 ha với tổng số 68 hộ tham gia. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc dồn điền đổi thửa cơ bản khắc phục tình trạng ruộng manh mún, trung bình tại mỗi cánh đồng dồn từ 70 ô thửa nhỏ thành 20 ô thửa lớn. Điều này đã tạo thuận lợi cho canh tác, đưa cơ giới vào các khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch, nâng năng suất lao động gấp 2 – 3 lần so với trước đây. Thực tế đã đưa năng suất cây trồng tăng thêm từ 15 – 20% so với canh tác truyền thống, giá trị sản xuất bình quân đạt 70,2 triệu đồng/ha diện tích canh tác.
Chương trình dồn điền đổi thửa tại xã Quang Minh đã có những tác động tích cực trong sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hình thành những cánh đồng mẫu đem lại thu nhập cho người nông dân trên địa bàn, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Bắc Quang.
Bắt tay xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh, chủ trương gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, khai thác các tiềm năng văn hoá, vị thế địa lý, xã Quang Minh đang bắt tay xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới.
Từ chủ trương này, hồ Quang Minh càng trở nên hấp dẫn hơn khi thôn Khiềm, một thôn quê dân giã nằm ven hồ, nơi bảo lưu khá tốt những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày được lựa chọn để xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Với diện tích rộng, thu dung một lượng nước lớn từ các vùng trong khu vực, hồ được coi là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản như cá bống, cá xảm, tôm, ba ba, rùa và nhiều loại cá như chép, trôi, chắm, rô phi được nuôi thả tự nhiên. Từ đó, hồ Quang Minh cũng trở thành nơi đem lại nguồn lợi thủy sản rất lớn cho người dân trong vùng với sản lượng đánh bắt lên đến hàng tấn cá, tôm/năm.
Cùng với đó, hệ thống giao thông trong thôn cũng từng bước được hoàn thiện, thôn đã xây dựng được đội văn nghệ dân gian khá đặc sắc; cùng với 7 hộ duy trì nghề dệt, 3 hộ duy trì nghề rèn, 40 hộ duy trì nghề đan lát.
Hiện nay, cơ bản các hộ gia đình đều ở nhà sàn, những nếp nhà sàn truyền thống ở quanh khu vực hồ Quang Minh thường khá đẹp và hài hòa với cảnh quan gồm ao, vườn, đồi và ruộng. Xung quanh khu vực hồ có hàng chục hộ gia đình của thôn Khiềm và thị trấn Việt Quang hàng ngày vẫn dùng các ngư cụ như thuyền nan, vó, lờ, lưới nhỏ để đánh bắt cá. Từ đó, tạo nên một hình ảnh hết sức sống động cho vùng mặt nước nơi đây.
Từ tiềm năng, thế mạnh riêng, Quang Minh tích cực thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó xã cũng chỉnh trang đường làng, ngõ xóm bắt tay xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu,.... nhằm rút ngắn hành trình phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao.