Trước nguy cơ xâm nhiễm dịch cúm gia cầm độc lực cao A/H5N8, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn 4179 ngày 8/7, yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia.

Trong đó, có nhiệm vụ: Tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; kiểm tra nghiêm ngặt việc nhập gia cầm giống do các tổ chức, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, khôi phục sản xuất sau thiên tai hỗ trợ.

{keywords}
Ảnh minh họa: Văn Hùng

Tuyên truyền vận động người chăn nuôi mua vắc xin tiêm phòng bệnh cúm do các chủng virus A/H5 gây bệnh cho đàn gia cầm, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt hơn 80% tổng đàn có nguy cơ và tiêm đầy đủ loại vắc xin phòng bệnh khác cho đàn gia cầm.

Đồng thời chủ động mua vắc xin tiêm phòng bệnh cúm gia cầm A/H5N8 cho đàn gia cầm khi có phát sinh ổ dịch trên địa bàn, không chờ hỗ trợ của Nhà nước.

Tăng cường giám sát lâm sàng tại những nơi có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia cầm mắc bệnh để có giải pháp ứng phó kịp thời. Trường hợp phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với vi rút cúm A/H5N8, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng vi rút cúm A/H5, cần xử lý tiêu hủy triệt để, tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực (vắc xin nguồn dự trữ, vật tư, dụng cụ, hóa chất) để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh theo quy định; xuất hóa chất, vắc xin từ nguồn dự trữ để hỗ trợ các địa phương thực hiện xử lý khẩn cấp ổ dịch nhằm khống chế kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng...

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng.

Cơ quan chuyên muôn hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh; tiêm phòng đầy đủ các vaccine cho đàn gia cầm.

Địa phương tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao và gửi phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với virus cúm gia cầm, chủng A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8.

Các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn đồng thời tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam.

Văn Hùng