Tại kỳ họp họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, tỉnh đã có bước đột phá về tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 69.110 tỷ đồng, tăng 11,2%, cao hơn so với năm 2021 là 5,04%; đứng vị thứ 11/63 so với cả nước; 4/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; 2/5 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Năm 2022, ước tính thực hiện thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 32.144 tỷ đồng, đạt 135,6% dự toán và tăng 40,1% so với cùng kỳ.
Cải cách hành chính gắn liền với chuyển đổi số
UBND tỉnh này thông tin, việc giảm thuế trước bạ cho xe ô tô lắp ráp trong nước được ban hành đã tạo động lực cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của tỉnh phục hồi mạnh. Bên cạnh đó thị trường xuất khẩu hoạt động ổn định, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp ngành may mặc và da giày…
Về du lịch, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2022 ước đạt 4,7 triệu lượt, tăng 13 lần so với cùng kỳ.
Cùng với đó, tỉnh đã chú trọng vào cải cách hành chính gắn liền với chuyển đổi số, đã triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống bản đồ thực thi thể chế của tỉnh, cung cấp thông tin giám sát, thống kê đối với các chỉ tiêu về tiến độ giải quyết thủ tục hành chính…
Trao đổi với P.V VietNamNet ngày 9/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhận định, để có được những thành quả như năm vừa qua, tỉnh đã có những giải pháp cụ thể, quyết liệt.
“Công tác phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 được triển khai rất quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, do đó năm 2022 các nhà máy đã sản xuất ổn định. Riêng tập đoàn Trường Hải không chỉ ổn định mà còn phát triển rất mạnh, ra mắt thêm nhiều dòng xe mới và nhiều lĩnh vực sản xuất mới đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, lĩnh vực thuỷ điện do công tác quản lý bảo vệ rừng những năm gần đây khá tốt, cơ chế hỗ trợ cho các lực lượng bảo vệ rừng được đảm bảo bên cạnh thời tiết thuận lợi nên nguồn thu tăng cao.
Năm 2022 đã chủ trì đăng cai Năm du lịch quốc gia với nhiều hoạt động sôi nổi, từ đó, du lịch phục hồi mạnh so với năm 2021.
Theo người đứng đầu UBND tỉnh: “Trong nông nghiệp, tuy tốc độ tăng trưởng không cao nhưng việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp nông thôn (OCOP), gắn với phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai mạnh mẽ, thị trường tiêu thụ được mở rộng nên góp phần phát triển kinh tế nông thôn”.
Dự kiến tăng 9% tổng sản phẩm năm 2023
Năm 2023, Quảng Nam đặt cho mình nhiều mục tiêu mới - theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: dự kiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2010) tăng trên 9,0%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 26.680 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 20.880 tỷ đồng.
Cũng theo ông Thanh, năm 2023, sẽ đưa ngành công nghiệp trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế; phát triển dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức xây dựng hoàn chỉnh Đề án Phát triển trung tâm chế biến sâu các sản phẩm từ silica trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đề án Phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam.
Từng bước xây dựng hệ sinh thái công nghiệp, trong đó tập trung xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2023 sẽ triển khai hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam, tập trung phát triển những ngành dịch vụ có hàm lượng trí tuệ và công nghệ cao.
“Huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dịch vụ du lịch - công nghiệp - kinh tế biển - nông nghiệp công nghệ cao”, ông Thanh nói.
Văn Dương, Hà Sơn, Huy Linh