Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam chiếm diện tích lớn, địa hình phức tạp, điểm xuất phát thấp, thường xuyên bị tác động, ảnh hưởng bởi thiên tai. Cộng đồng người thiểu số trong địa bàn tỉnh gồm  Cơ Tu, Xơ Đăng (gồm người Ca Dong, Xơ Teng, Mơ Nâm); Cor; Gié-Triêng (gồm người Ve, Tà Riềng, Bh nong) cư trú từ lâu đời ở vùng miền núi phía Tây của tỉnh. 

Nhằm hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, Tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, giai đoạn 2022-2025.

Theo đó có 7 huyện được thụ hưởng Dự án gồm: Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Hiệp Đức.

W-anhquangnam.png
Dân vũ của dân tộc Cor - Bắc Trà My

Mục tiêu kế hoạch hướng đến khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.

Kế hoạch bao gồm nhiều mục tiêu, nội dung cụ thể thực hiện đến năm 2025 đó là: Triển khai thực hiện khảo sát, kiểm kê, sưu tầm tư liệu các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số như trang phục, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ. Tổ chức khôi phục, bảo tồn một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương kết hợp khai thác, xây dựng thành sản phẩm phát triển du lịch. Ưu tiên hỗ trợ khôi phục bảo tồn các lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một và các lễ hội tiêu biểu nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp tổ chức khảo sát tiềm năng du lịch và tổ chức các hội nghị lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận. Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm điểm du lịch đã được công nhận và điểm du lịch chưa được công nhận nhưng có tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn, có nhiều điều kiện phát triển du lịch; các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh điểm đến du lịch hoạt động địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các hộ gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương có điểm đến du lịch. Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu; xây dựng tủ sách cộng đồng; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Kết luận buổi làm việc mới đây với Quảng Nam, Bộ trưởng Hầu A Lềnh ghi nhận, Quảng Nam là địa phương có nhiều chính sách đặc thù riêng để phát triển để hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào DTTS & MN của tỉnh. Trong quá trình triển khai, Quảng Nam cũng có những chủ động, tích cực và quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nhờ đó, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS & MN của tỉnh thời gian qua có nhiều khởi sắc; nhiều vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các quy định, chỉ đạo của Trung ương đạt hiệu quả.

Nhóm PV