Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông lâm thuỷ sản địa phương

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đạt diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (như VietGAP, Global GAP) tăng 10%/năm; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) được cấp giấy chứng nhận; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 10%/năm; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm; 100% các địa phương kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp; 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

Giai đoạn tiếp theo 2026 - 2030, Quảng Ngãi sẽ phấn đấu tăng diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt - GAP lên 15%/năm.

Có 5 nội dung chính được UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra nhằm thực hiện có hiệu quả đề án, bao gồm: Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị nông lâm thuỷ sản; Triển khai tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về thông tin ATTP nông lâm thuỷ sản; Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo năng suất chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc; Phát triển thị trường nông lâm thuỷ sản chất lượng, an toàn; và Tăng cường năng lực thực thi chính sách pháp luật, đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản. 

Phát triển thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ngãi. (Ảnh cảng cá Sa Kỳ, Quảng Ngãi). 

Chú trọng ứng dụng KHCN, CNTT và chuyển đổi số 

Trong đó, nội dung tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được chú trọng. Cụ thể, Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với thị trường; tăng cường liên kết vùng để tạo vùng sản xuất hàng hoá phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm; cải tạo thay thế giống cũ năng suất thấp bằng giống mới có năng suất, chất lượng phù hợp với chế biến và thị trường tiêu thụ. 

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức đào tạo tập huấn, chất lượng nông lâm thuỷ sản, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khoa học quản lý, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xây dựng mở rộng vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị đối với loại hình nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm. 

Các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong kế hoạch triển khai của Quảng Ngãi sẽ bao gồm: Ứng dụng CNTT trong quản lý ATTP và thông tin xúc tiến thương mại nông sản; Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh, truy xuất nguồn gốc nông lâm thuỷ sản; và Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực quản lý. 

Quảng Ngãi cũng nhấn mạnh đến các giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, ATTP, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc... Trong đó, đề cao việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản; ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tỉnh, chế biến sâu gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nhằm góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số…

Nguồn kinh phí thực hiện đề án là 9 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh 7 tỷ đồng, ngân sách huyện 1 tỷ đồng và vốn huy động doanh nghiệp 1 tỷ đồng. 

Linh Chi