Hội thảo nhằm cung cấp các căn cứ, luận cứ về quan điểm, chủ trương, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mang tính lý luận, tính pháp lý, tính khoa học, thực tiễn để làm cơ sở tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nghiên cứu chỉ đạo xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách. 

anhhhh.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Ngãi

Đồng thời, UBND tỉnh đề ra các định hướng, giải pháp phù hợp, huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế số nông nghiệp của tỉnh thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 6/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XX về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững, sức cạnh tranh cao gắn với xây dựng nông thôn mới văn minh và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, cán bộ quản lý, đại diện doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp có ứng dụng hiệu quả công nghệ số; chủ thể sản phẩm OCOP.

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp tại Quảng Ngãi đã đạt được một số kết quả. Rõ nét nhất là nông dân đã chủ động tiếp cận công nghệ số và tích cực tham gia thu thập, cung cấp dữ liệu mở phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản... 

Những năm qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng nhiều hệ thống phần mềm quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, quản lý vùng nuôi và trang trại nuôi... giúp hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản, thủy lợi...

Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều địa phương đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động đối với cây lúa, cây rau màu... với diện tích gần 3.000ha. Đến nay, toàn tỉnh có 13 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa và 1 mã số vùng trồng xuất khẩu trong lĩnh vực trồng trọt. Tất cả 13/13 huyện, thị xã, thành phố có sản phẩm OCOP, với 130 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, giúp nông dân bắt nhịp với xu hướng và thời đại mới. Từ đó, thực hiện thành công chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số, đặc biệt phát triển kinh tế số của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, do còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, gây khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu, đặc biệt là trong các khu vực nông thôn.

Hiện nay, dữ liệu về nông nghiệp còn rời rạc, chưa được số hóa và quản lý một cách tập trung, đồng bộ, khiến cho việc triển khai các hệ thống phân tích, dự báo và ra quyết định trở nên khó khăn. 

Trong quá trình số hóa, vấn đề bảo mật thông tin dữ liệu nông nghiệp chưa được chú trọng đầy đủ. Các hệ thống công nghệ dễ bị tấn công, gây mất mát hoặc lộ lọt thông tin quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Công tác đào tạo kết hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ nông dân phát triển kỹ năng và tri thức số, sử dụng công nghệ số trong nông nghiệp, kỹ năng về sử dụng, khai thác các sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử còn nhiều hạn chế.

Tại Hội thảo, cán bộ quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức và doanh nghiệp đã tập trung tham luận, thảo luận, trao đổi xung quanh các nội dung như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua; Thực trạng kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi từ khi bắt đầu phát triển kinh tế số nông nghiệp; Kết quả triển khai công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Bàn luận về hệ thống các giải pháp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông nghiệp; Quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm phát triển kinh tế số nông nghiệp có hiệu quả trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh. 

Trong cơ cấu GDP của Quảng Ngãi, nông nghiệp chỉ chiếm 16 - 18%, trong khi công nghiệp chiếm khoảng 52%, thương mại - dịch vụ khoảng 30%. Như vậy, Quảng Ngãi cần đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Nhiều ý kiến của các nhà khoa học cũng như các tham luận đề cập đến các giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.

Diệu Bình