Quảng Ngãi là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam với đường ranh giới chung khoảng 60 km; phía Tây giáp các tỉnh Gia Lai, Kon Tum trên chiều dài 142 km dựa lưng vào dãy Trường Sơn.
Theo Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 187.090 người dân tộc thiểu số, chiếm 13,32% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó: Dân tộc H’re là 133.104 người; dân tộc Co 33.227 người; dân tộc Ca Dong 19.689 người và 1.070 người thuộc các dân tộc thiểu số khác. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có 61 xã thuộc 5 huyện miền núi và một số huyện đồng bằng với diện tích tự nhiên chiếm hơn 2/3 diện tích tự nhiên của toàn tỉnh.
Theo kết quả phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi hiện còn 6 xã khu vực I, 3 xã khu vực II và 52 xã khu vực III. Trong 5 huyện miền núi có 2 địa phương Trà Bồng và Sơn Tây vẫn là huyện nghèo. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi là địa bàn khó khăn, kinh tế chậm phát triển, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao.
Quảng Ngãi đề ra mục tiêu tổng quát đối với vùng đồng bào DTTS đó là: Tới năm 2024 thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin, hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021 – 2025.
Trên tinh thần đó, đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, áp dụng tại địa bàn 7 địa phương, gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Lý Sơn, Sơn Hà, Ba Tơ và thị xã Đức Phổ.
Mục tiêu của chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân... Phấn đấu đến năm 2025, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở khu vực này đạt mức tăng trưởng 9 - 11%/năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế.
Để đạt được mục tiêu trên tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình chắp cánh ước mơ khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị thông tin thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức, hỗ trợ các nhà đầu tư khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh…
Các dự án về phát triển giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn… cũng đã được tỉnh triển khai thực hiện kịp thời.
Ngoài ra, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đã triển khai thực hiện hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích là 63.567,3ha.
Thêm vào đó, sau khi triển khai chương trình ‘Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có vùng đồng bào DTTS. Trong số các sản phẩm OCOP đạt chứng nhận cấp tỉnh, bước đầu đã hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương như sản phẩm quế Trà Bồng, trái cây Nghĩa Hành... Nhiều sản phẩm đạt chuẩn 3 - 4 sao theo tiêu chí OCOP như nấm linh chi Giang Phong, gạo sạch Ấn Trà, mạch nha, tỏi đen, bánh tráng, nước mắm…
Tới đây, cơ hội phát triển thị trường, gắn với chất lượng, thương hiệu cùng chuỗi tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào DTTS tiếp tục được địa phương hỗ trợ mở rộng. Đặc biệt là việc hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương vào hệ thống mạng lưới thương mại trong tỉnh và xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Nhóm PV