Thu hút nguồn lực đầu tư lớn từ tư nhân, Quảng Ninh được xem là điểm sáng trong việc kiến tạo những công trình giao thông tầm cỡ quốc tế như sân bay, cảng biển…
Bí quyết phát triển hạ tầng giao thông
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh, 5 năm qua, Quảng Ninh bỏ 1 đồng ngân sách làm vốn “mồi” thì thu hút được 8,3 đồng ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, du lịch. Ước tính số tiền thu hút ngoài ngân sách lên tới 190.000 tỷ đồng. Nhờ đó, tỉ lệ đầu tư công ngày một giảm, từ 60% năm 2010 xuống còn 37% năm 2015. Trong đó, đầu tư từ khu vực tư nhân tăng lên rõ rệt, chiếm khoảng 33% tổng vốn đầu tư.
Trong 3 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã đầu tư trên 36.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có tới hơn 3/4 nguồn vốn được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa. Với cách làm này, tất cả những công trình giao thông trọng điểm đều được làm nhanh, gọn và phát huy hiệu quả ngay sau đầu tư, nhờ đó Quảng Ninh dành thêm được nhiều nguồn vốn ngân sách cho các công trình văn hóa, an sinh xã hội khác.
Được xem là điểm sáng thu hút nguồn vốn tư nhân xây dựng hạ tầng giao thông, Quảng Ninh đã liên tục triển khai những dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng: dự án nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long- Uông Bí, Hạ Long - Mông Dương - Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả…
Năm 2018, những "trái ngọt" hạ tầng hợp tác công tư đã hoàn thiện như Cầu Bạch Đằng được thống nhất khai thông vào ngày 31/5. Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không Vân Đồn đều sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 12/2018.
Sau chuỗi dự án này, Quảng Ninh hoàn thiện thủ tục đầu tư khởi công 80,2km đường cao tốc nối tiếp từ sân bay Vân Đồn đến TP Móng Cái vào quý IV, phấn đấu đến cuối năm 2020, hoàn thành đầu tư gần 200km đường bộ cao tốc, đóng góp 1/10 số lượng cao tốc hoàn thành trên toàn quốc theo mục tiêu của Chính phủ.
Theo đánh giá, những dự án hạ tầng giao thông này không chỉ đơn thuần giải quyết việc liên kết vùng, phục vụ người dân mà còn mở ra nhiều dư địa, tạo hiệu ứng cộng sinh cho mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề phát triển.
Điểm sáng hút vốn tư nhân
Thực tế, Quảng Ninh đã sớm xác định việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng là một trong ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và còn phải dành vốn cho các công trình thiết yếu, cho quốc phòng, an ninh, cho phúc lợi xã hội… nên Quảng Ninh đã đề xuất với Trung ương cho phép tỉnh huy động các nguồn lực xã hội.
Để triển khai cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Quảng Ninh đã đề xuất Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn vốn hợp pháp như tiết kiệm chi mỗi năm 1.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương...
Hay như dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Được triển khai theo hình thức BOT, tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 14.000 tỷ đồng, để san sẻ gánh nặng cho nhà đầu tư, Quảng Ninh xin Chính phủ, các bộ, ngành cho phép ứng 4.000 tỷ để giải phóng mặt bằng. Với Dự án cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh cũng bỏ ra 700 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể từng khen ngợi Quảng Ninh: "Trong 1 thời gian rất ngắn khoảng 3-4 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã huy động xã hội hóa để làm giao thông với hơn 48.000 tỷ đồng, trong đó địa phương bỏ ra 12.000 tỷ còn lại vốn của nhà đầu tư. Tức là Nhà nước chỉ cần bỏ ra khoảng 25% vốn, còn nhà đầu tư bỏ ra 75% là có thể hình thành nhiều công trình vĩnh cửu, để đời cho con cháu… Cách làm này là một sự đột phá".
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên, duy nhất trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đầu tư và quản lý đường cao tốc và cảng hàng không theo hình thức đối tác công - tư PPP.
Cách làm đột phá của Quảng Ninh không chỉ huy động được nguồn lực lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm bớt gánh nặng ngân sách, mà còn xây dựng nên hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Quảng Ninh đã trở thành "hiện tượng" nhờ bí quyết đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông.
Ng.Hân