Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có đa dạng sinh học phong phú với nhiều hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập mặn. Với 2000 đảo lớn nhỏ đã mang lại hệ sinh vật dưới biển của địa phương vô cùng phong phú, trong đó có rất nhiều nhóm sinh vật đặc trưng như san hô, giáp xác, động vật thân mềm, nhuyễn thể. Trên các đảo còn có nhiều loài thực vật, lưỡng cư, bò sát, côn trùng..
Các số liệu cập nhật mới nhất đến năm 2023, toàn tỉnh được ghi nhận mức đa dạng loài lên tới 5.000 loài. Nhiều loài được ghi chép trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ thế giới, Nghị định Chính phủ (Nghị định 64/2019, Nghị định 84/2021), Công ước CITES... đã được đánh giá ở mức độ nguy cấp, quý, hiếm.
Tuy nhiên, đa dạng sinh học tại Quảng Ninh cũng bị ảnh hưởng bởi tốc độ phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường và nạn khai thác trái phép các động, thực vật hoang dã.
Nhằm bảo tồn và phục hồi các loài động thực vật quý hiếm, Quảng Ninh đã thành lập nhiều khu bảo tồn như Khu Bảo tồn thiên nhiên Ðồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu rừng quốc gia Yên Tử, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử…
Các cơ sở này thực hiện tốt việc gây gen phát triển các nguồn giống thực vật quý. Đáng chú ý là vườn dược liệu tại Yên Tử với nhiều dược liệu tốt như ba kích, kim ngân, trà hoa vàng…
Quảng Ninh cũng có nhiều cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Hoạt động gây nuôi cũng giúp phục hồi đa dạng sinh học. Theo thống kê, trên toàn tỉnh có 63 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Trong đó có hơn 4.100 cá thể thuộc 15 loài nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm và 1.719 cá thể động vật thông thường.
Ngoài ra, Quảng Ninh chỉ đạo các khu bảo tồn, Vườn quốc gia Bái Tử Long tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo vệ ranh giới, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, môi trường sống của các loài sinh vật tại khu bảo tồn. Các khu bảo tồn xây dựng các giải pháp bảo vệ các hệ sinh thái, các loài sinh vật bị cấm đánh bắt, ngăn chặn và xử lý các hoạt động xâm hại các hệ sinh thái, đánh bắt các loài quý hiếm. Xử lý nghiêm các hành vi khai thác đánh bắt thủy hải sản bằng những phương pháp mang tính hủy diệt.
Trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường tuyên truyền về các quy định của pháp luật trong bảo tồn, ngăn ngừa tội phạm về đa dạng sinh học. Các cơ sở bảo tồn, Vườn tăng cường củng cố dữ liệu thông tin về động, thực vật hoang dã, đầu tư nguồn lực thực hiện các chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp với phát triển kinh tế, biến đối khí hậu.
Ngoài ra, nhằm thực hiện Đề án phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học, từ nay tới năm 2030, Quảng Ninh đưa ra nhiều giải pháp triển khai như tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức,thay đổi hành vi của cộng đồng xã hội về bảo tồn và ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học. Củng cố, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Công an tỉnh tập trung tăng cường tuần tra, xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan tới vi phạm đa dạng sinh học. Mở các chuyên đề tuần tra, phát hiện xử lý, quản lý động vật hoang dã gây nuôi. Chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế để thu thập thông tin và xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học.
Trong giai đoạn từ năm 2011 -2012, báo cáo điều tra thực trạng buôn bán động vật hoang dã qua biên giới Việt Nam và Trung Quốc tại tỉnh Quảng Ninh của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WCS) tại Việt Nam cho thấy, nhiều loài động vật hoang dã nằm trong danh mục bảo vệ của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vât nguy cấp (CITES) bị buôn bán qua biên giới hai nước, trong đó có nhiều loài nằm trong danh mục bị đe dọa tuyệt chủng.