Quảng Ninh là tỉnh có trên 118 km đường biên giới trên bộ, 191 km đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ và trên 250km đường bờ biển.

Với sự phát triển nổi bật về kinh tế - xã hội, tỉnh có tỷ lệ dân nhập cư cao từ các tỉnh, thành khác đến học tập, lao động và sinh sống. Do đó, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các đối tượng phạm tội mua bán người từ nhiều địa phương trong cả nước lợi dụng làm nơi trung chuyển. Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. 

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người được tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. 

Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp với các thủ đoạn tinh vi, gây nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt của an sinh xã hội và là nguyên nhân dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác. 

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người được tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. 

Các lực lượng chủ động phối hợp trong đấu tranh, trấn áp tội phạm

Theo đánh giá của lực lượng công an tỉnh, từ thực tiễn công tác điều tra, khám phá các vụ án mua bán người trên địa bàn tỉnh cho thấy, loại tội phạm này thường là những đối tượng có tiền án, tiền sự liên quan đến tội mua bán người, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép...

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh dịch vụ giải trí tại các địa bàn tuyến biên giới, dịch vụ trung tâm môi giới kết hôn, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi trá hình cũng là những đối tượng cần đặc biệt quan tâm. Một số trường hợp đối tượng phạm tội lại chính là nạn nhân mà trước đó đã từng bị mua bán, hoặc là cha mẹ đẻ, người nuôi dưỡng của nạn nhân, do hạn chế về nhận thức, thiếu hiểu biết pháp luật và bức bách, khó khăn về kinh tế.

Các đối tượng phạm tội ngày càng có xu hướng mở rộng phạm vi tìm kiếm nạn nhân, không chỉ nhắm đến phụ nữ, trẻ em có trình độ học vấn thấp, người dân tộc thiểu số, thậm chí là những em có khiếm khuyết về tâm thần, mà còn tập trung vào cả những nam giới có sức khỏe, thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook đăng thông tin tuyển dụng đi lao động ở nước ngoài với lời hứa hẹn lương cao, thực tế là bóc lột sức lao động, hoặc lợi dụng, ép thực hiện các hành vi lừa đảo công nghệ cao. 

Huyện Bình Liêu là nơi có tỷ lệ dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhiều mặt nhận thức còn hạn chế, cộng với địa hình biên giới với nhiều đường mòn lối mở... nên là địa bàn để các đối tượng phạm tội lợi dụng trung chuyển, lừa dẫn, chuyển giao người trái phép qua biên giới.

Xác định được vị trí là địa bàn trọng điểm trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Bình Liêu phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp nghiệp vụ. 

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm mua bán người, lực lượng biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân thành lập nhiều tổ công tác tìm hiểu, nắm vững địa bàn nội - ngoại biên, nhất là đối với địa bàn trọng điểm về tình hình tội phạm. 

Xác định tội phạm buôn người thường có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nội địa với các đối tượng ở khu vực biên giới và đối tượng sinh sống tại nước ngoài, bộ đội biên phòng trong toàn tỉnh đã tích cực rà soát, nắm tình hình những người có mối quan hệ họ hàng bên Trung Quốc và các đối tượng có tiền án, có nguy cơ cao về hành vi mua bán người để đưa vào diện quản lý và giám sát chặt chẽ. 

Đồng thời, lực lượng bộ đội biên phòng tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về các thủ đoạn của tội phạm mua bán người, đặc biệt là những thủ đoạn mới như sử dụng mạng xã hội làm quen, kết bạn, làm người yêu, rủ đi chơi, mời qua biên giới làm việc nhẹ lương cao; núp bóng hình thức cho nhận con nuôi, môi giới hôn nhân, xuất khẩu lao động... Qua đó, kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người.

Tại các địa phương như Móng Cái, Hải Hà, công tác nắm địa bàn, tuần tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người đều được lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, công tác phòng chống mua bán người có nhiều chuyển biển tích cực; các vụ án về mua bán người được kiềm chế, kéo giảm qua từng năm và từng giai đoạn; tội phạm mua bán đang có xu hướng giảm cả số vụ và số nạn nhân.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán trở về

Để công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản, luật pháp, chính sách liên quan đã được các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh triển khai kịp thời, đồng bộ với các hình thức phong phú, đa dạng.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Sở LĐTB&XH đã chủ trì in ấn và cấp phát 80.000 tờ rơi tuyên truyền; biên soạn nội dung, in 10.000 cuốn tài liệu hỏi đáp luật pháp, chính sách về phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; thiết kế 177 pano đặt tại 177 trụ sở xã, phường, thị trấn để giới thiệu các dịch vụ của Ngôi nhà Ánh Dương hỗ trợ nạn nhân mua bán người... 

Đồng thời đăng tải nhiều tin bài về các hoạt động Dự án Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại, cùng các hoạt động về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Sở cũng chủ trì tổ chức 15 hội nghị truyền thông cho người dân địa bàn biên giới về luật pháp, chính sách phòng, chống mua bán người và các kiến thức, kỹ năng nhận biết nguy cơ để phòng ngừa.

Các sở, ngành, đơn vị chức năng khác như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh... cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động truyền thông trực quan trong cộng đồng; tổ chức thi sáng tác văn học nghệ thuật về phòng, chống mua bán người; tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa... nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, xác định vai trò, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn hết sức chú trọng thực hiện công tác tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người với tất cả trách nhiệm và tình cảm yêu thương, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong triển khai Chương trình phối hợp liên ngành giữa Sở LĐTB&XH, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng trong tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ, trao trả và hỗ trợ nạn nhân theo Chương trình số 1330/ LN-LĐTBXH-CA-BCHBP (17/6/2019) và nay là Chương trình phối hợp liên ngành số 4018/LN-LĐTBXH-CA-BCHBP (18/11/2021).

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ 26 nạn nhân bị mua bán trở về.

Năm 2021, các cơ quan chức năng đã phát hiện, tiếp nhận 8 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc, trong đó có 3 nạn nhân là trẻ em nam sơ sinh. Năm 2022, tiếp nhận 11 nạn nhân bị mua bán trở về từ Trung Quốc và Campuchia. 6 tháng đầu năm 2023, tiếp nhận 7 nạn nhân từ Trung Quốc trở về.

Trong giai đoạn này, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng tiếp nhận 117 lượt, tương ứng 2.532 người Việt Nam nhập cảnh trái phép do Trung Quốc trao trả qua cửa khẩu; sàng lọc, xác định 6 vụ, tương ứng 7 nạn nhân bị mua bán (nạn nhân tự khai).

Sau tiếp nhận, các sở, ngành, đơn vị chức năng, đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương nơi cư trú của nạn nhân để xác minh, bàn giao nạn nhân trở về gia đình an toàn, hoà nhập cộng đồng. Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp cần hỗ trợ để giúp đỡ họ vơi bớt sự thiệt thòi trong cuộc sống. 

Ngày 28/7/2023, tại Quảng Ninh, Bộ Công an phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động Chung tay phòng, chống mua bán người, hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 với chủ đề “Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Lễ phát động nhấn mạnh vào một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo nguyên tắc “lấy nạn nhân làm trung tâm” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người…

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, cảnh báo về tình hình tệ nạn mua bán người hiện nay; các chế độ, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tập trung tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ cùng các ngành, địa phương đảm bảo kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có công tác trao đổi thông tin, cập nhật số liệu định kỳ, đồng bộ hóa số liệu về nạn nhân. Duy trì các mô hình hỗ trợ nạn nhân hiệu quả tại các cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh...

Trần Tuấn Anh, Trần Quang Ninh