Với đặc điểm đường biên giới kéo dài với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở, tỉnh Quảng Ninh cũng là địa bàn phát triển sôi động về thương mại, dịch vụ, du lịch... Các yếu tố này dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người.

Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến khó lường, đồng thời hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7, cả hệ thống chính trị của địa phương đã nỗ lực chung tay phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên. 

quảng ni h.jpg
Truyền thông là một trong những giải pháp quan trọng phòng, chống mua bán người.

Công an tỉnh Quảng Ninh phát đi cảnh báo về tình hình và các thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người. Theo đó, các đối tượng hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người đang tận dụng triệt để và hoạt động phức tạp trên không gian mạng, đặc biệt là các nền tảng OTT (Zalo, Facebook, Telegram..), thiết lập các trang quảng cáo, tìm việc làm, ứng dụng hẹn hò, hội nhóm độc thân, sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh, hứa hẹn tìm việc làm thu thập cao...

Sau khi “con mồi” vì nhẹ dạ, hoặc vì lòng tham mà mắc bẫy, bọn tội phạm sẽ khống chế, buộc nạn nhân phải lao động nặng nhọc trái pháp luật, hoặc hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê. 

Ngoài đối tượng phụ nữ trẻ, tội phạm mua bán người còn nhắm đến đối tượng là nam giới, trẻ em. Tội phạm trong nước câu kết với các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài làm việc nhẹ lương cao, bán thận thông qua các hình thức như: xem ảnh, tuyển chọn nạn nhân qua Zalo... Sau đó, hướng dẫn nạn nhân sang nước ngoài (như Lào, Campuchia, Myanmar…).

Tại các nước này, nạn nhân bị bắt làm những công việc như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, làm việc trong các casino tại các công ty do người nước ngoài làm chủ; nếu muốn về nước phải nộp một tài khoản tiền chuộc lớn.

Ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án hiệu quả như: Phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thực hiện dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Nhờ sử dụng tối ưu nguồn kinh phí tài trợ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), dự án này đã giúp tập huấn nâng cao năng lực, truyền thông và hỗ trợ được nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của mua bán người.

Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn và đấu tranh với tội phạm, phối hợp cùng các lực lượng, các ngành chức năng của tỉnh để ngăn chặn hành vi mua bán người, giải cứu các nạn nhân trở về. Trong các biện pháp công tác biên phòng, việc tuyên truyền tại cộng đồng, vận động quần chúng nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu.

Được biết trong 3 năm qua, các đồn biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy các địa phương nơi đứng chân, tổ chức hơn 30 buổi tuyên truyền kết hợp cấp phát tờ rơi pháp luật, thu hút gần 3.000 lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân tham dự. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định pháp luật hiện hành về phòng chống mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị mua bán, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm có hành vi mua bán người...

Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh các mô hình triển khai Dự án 8 đi nhanh vào cuộc sống. Đây là dự án về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Nam chủ trì thực hiện, nằm trong nhóm 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Một nội dung được quan tâm tuyên truyền là trang bị cho hội viên phụ nữ những kiến thức cơ bản về phòng, chống mua bán người, qua đó chủ động trong tự bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình mình.

Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hải Hà là một điểm sáng về triển khai thực hiện các nội dung của Dự án 8 của tỉnh, với nhiều mô hình đang được các cơ sở hội duy trì triển khai khá hiệu quả. Tại xã Quảng Sơn, từ năm 2023 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã phối hợp, thành lập được 12 tổ truyền thông cộng đồng tại 12 thôn, bản, với nòng cốt tham gia là các cán bộ, đảng viên, đội ngũ người uy tín. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã liên tục cung cấp tài liệu pháp luật, hỗ trợ các tổ truyền thông tổ chức sinh hoạt hằng tháng để các thành viên hiểu rõ, nắm vững các kiến thức pháp luật. Đội ngũ này tiếp tục là cầu nối lan tỏa tới toàn thể nhân dân, chung tay phòng chống buôn bán người qua biên giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn. 

Phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ khó khăn, bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng chức năng thì rất cần toàn xã hội nâng cao nhận thức, hành động, có hiểu biết để không sập bẫy của tội phạm mua bán người, lấy công tác phòng ngừa là trọng yếu.