Tỉnh Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước 7 năm liên tiếp (2017 – 2023) về Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) ; 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; 5 năm liên tục (2019 - 2023) giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), 6 năm (2017 - 2020 và 2022 - 2023) dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index). 

Đây là một chặng đường kiên trì, nỗ lực trong xây dựng thương hiệu Quảng Ninh trở thành “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công” gắn liền với quá trình không ngừng nâng cao chất lượng cải cách hành chính – một trong 3 khâu đột phá chiến lược của Đại hội XI của Đảng mà tỉnh đã thực hiện trong suốt thời gian qua. 

Quang_Ninh_nhan_Cup_va_Chng_nhan_PCI_nm_2023_vi_vi_tri_so_1.jpg
Quảng Ninh có 7 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI (2017 – 2023).

Ngày 30/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Phân tích, đánh giá chuyên sâu Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). 

Hội nghị phân tích, đánh giá chuyên sâu các chỉ số được tổ chức thường niên nhằm nhìn lại một năm thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để giữ được chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phản ánh đầu ra của quá trình cải cách. Đồng thời trực diện nhìn lại chỉ số thành phần, tiêu chí đánh giá còn nhiều dư địa cải cách, qua đó, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ công chức, viên chức phải nhận thức rõ hơn về bổn phận và trách nhiệm của mình trên hành trình cải cách, tuyệt đối không được chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, vì mục tiêu sự phát triển bền vững của địa phương, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: "Các chỉ số Quảng Ninh đã đạt được là những thang đo rất khoa học, phản ánh tiếng nói khách quan của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của hệ thống chính trị trong tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, đặc biệt là những cán bộ đang thực thi tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận Một cửa hiện đại cấp xã".

Điều này cũng được minh chứng bằng kết quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên hai con số trong 9 năm liên tiếp; GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc, đứng thứ 2 cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa luôn đứng trong tốp đầu cả nước; thu hút đầu tư năm 2023 đạt 5,1 tỷ USD, trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3,1 tỷ USD; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng. 

Báo cáo đánh giá Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh khẳng định, trong năm qua, Quảng Ninh tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi Chỉ số PAR-Index, SIPAS, PCI, PGI tiếp tục dẫn đầu toàn quốc.

Phân tích kỹ từng chỉ số, báo cáo chỉ rõ: Đối với Chỉ số PAR-Index, tỉnh Quảng Ninh có 1/8 lĩnh vực tỉnh đã duy trì, giữ vững thứ hạng, đạt điểm tuyệt đối; có 3/8 lĩnh vực tăng điểm và tăng thứ hạng so với năm 2022; có 4/8 lĩnh vực của tỉnh đều tăng điểm nhưng giảm thứ hạng so với năm 2022.

Đối với Chỉ số PCI, tỉnh Quảng Ninh có 4/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2022, tuy nhiên lại có đến 6/10 chỉ số giảm điểm so với năm trước. Về xếp hạng, tỉnh có 5/10 chỉ số tăng hạng song cũng có 5/10 chỉ số giảm hạng. So sánh với mục tiêu đã đặt ra năm 2023, tỉnh Quảng Ninh chỉ có 4/10 chỉ số đạt mục tiêu về điểm số và 3/10 chỉ số đạt mục tiêu về thứ hạng. Trong đó, chỉ số Chi phí thời gian dẫn đầu cả nước; chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Chi phí không chính thức lần lượt đứng ở vị trí thứ 2/63 và 3/63.

Đối với Chỉ số SIPAS, theo kết quả tổng hợp đánh giá mức độ hài lòng năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh đạt 90,61%, cao hơn 7,95% so với mức độ hài lòng trung bình toàn quốc, tăng lên 3,02% so với năm 2022. Trong 9 nhóm tiêu chí để đo lường Chỉ số SIPAS năm 2023, Quảng Ninh tăng điểm so với năm 2022 ở cả 9 tiêu chí. Trong đó, có 4 tiêu chí xếp thứ nhất cả nước; 5 chỉ số còn lại đều xếp hạng thứ 2 và thứ 3 cả nước.

Đối với Chỉ số PGI, đây là năm thứ 2 chỉ số này được đưa vào đánh giá trong toàn quốc. Với tổng điểm đạt 26 điểm, Quảng Ninh thăng hạng từ vị trí thứ 4 năm 2022 lên thứ nhất năm 2023. Trong 4 chỉ số thành phần của Chỉ số PGI, Quảng Ninh có 4/4 chỉ số tăng điểm; 3/4 chỉ số tăng hạng so với năm 2022 và 1/4 chỉ số giảm hạng. So sánh với mục tiêu đã đặt ra năm 2023, tỉnh Quảng Ninh chỉ có 2/4 chỉ số đạt và vượt mục tiêu về thứ hạng và đứng top 5 toàn quốc.

W-quảng ninh.jpg
Chỉ số PCI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, các chuyên gia của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Nội vụ, các đại biểu đều khẳng định, những kết quả đạt được trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tiếp tục khẳng định sự hội tụ niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và là phần thưởng trân quý từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia đã đưa ra những phân tích chuyên sâu về các chỉ số và những khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao các Chỉ số PCI, PAR-Index, SIPAS, PGI trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và thành tích đạt được của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... trong toàn hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã đồng lòng, chung sức, quyết tâm chính trị, đóng góp, công sức, trí tuệ, sự tâm huyết, trách nhiệm trong suốt quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, trong đó có thành tích về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số và xã hội số, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai bình đẳng, tháo gỡ ách tắc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, giảm rủi ro chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường...

Quỳnh Nga