Hiện nay, các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ trong triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh nên tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, đây là loại tội phạm "ẩn", diễn biến phức tạp, khó lường. Qua công tác nắm tình hình về phòng, chống loại tội phạm này cho thấy: các đối tượng phạm tội từ nhiều địa phương trong cả nước vẫn triệt để lợi dụng địa bàn Quảng Ninh làm nơi trung chuyển, tập kết để lừa bán nạn nhân sang Trung Quốc với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, có hiện tượng người Quảng Ninh bị lừa hoặc chủ động di cư bất hợp pháp sang Campuchia để làm ăn và trở thành nạn nhân hoặc có nguy cơ cao trở thành nạn nhân mua bán người.

a ban.jpg
Mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về của tỉnh Quảng Ninh đã thu được kết quả tích cực. 

Nhiều nạn nhân bị mua bán trở về tinh thần hoảng loạn, không ổn định, sợ hãi, bị tổn thương nặng về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần do bị ép buộc lao động làm việc quá sức, bị giam giữ, đánh đập, bóc lột tình dục. Thậm chí có những nạn nhân bị mua đi bán lại nhiều lần, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác. Có trường hợp bị xâm hại cả tính mạng, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người thân, gia đình nạn nhân và công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.

Tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025 do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức, bà Hoàng Minh Hoa, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2020 - 2021, Sở đã chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Tư pháp, UBND thành phố Hạ Long, UBND 5 phường thuộc thành phố Hạ Long triển khai các hoạt động của Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam tài trợ và hỗ trợ về kỹ thuật.

Qua 2 năm triển khai, dự án đã mang lại những kết quả thiết thực tại 5 phường trên địa bàn thành phố Hạ Long. Dự án đã thực hiện 7 hoạt động khảo sát đánh giá đầu kỳ, phỏng vấn sâu; 9 lớp tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ và hướng dẫn kỹ thuật; 9 hội nghị truyền thông phòng chống mua bán người; 3 hội nghị/buổi tư vấn tâm lý, định hướng khởi nghiệp và hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, ổn định sinh kế.

Cùng với đó, 32 đối tượng đích là nạn nhân của mua bán người, người có nguy cơ cao trở thành nạn nhân mua bán người của 5 phường thuộc thành phố Hạ Long được tiếp cận dự án; 12 đối tượng đích được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập. Đặc biệt, đã có 7 đối tượng đích được hỗ trợ kinh phí, vật nuôi, trang thiết bị để phát triển kinh doanh, ổn định sinh kế bằng hiện vật có giá trị từ 10 đến trên 80 triệu đồng. Một số mô hình tiêu biểu như:

Mô hình sản xuất và bán sản phẩm Kem hoa tuyết (chế biến trái cây thành dạng đá bào) của chị Nguyễn Thu Hằng, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long được dự án hỗ trợ thiết bị máy làm kem tươi và máy làm đá viên trị giá 80,685 triệu đồng. Hiện nay, chị đã giúp đỡ, tạo việc làm, ổn định sinh kế cho 05 lao động. Dự kiến, thời gian tới, chị Hằng có kế hoạch mở rộng kinh doanh, tạo việc làm cho một số lao động khó khăn trên địa bàn TP Hạ Long.

Mô hình kinh doanh cửa hàng trà sữa FunTea của chị Nguyễn Thanh Trang, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long được dự án hỗ trợ thiết bị máy làm kem tươi và máy làm đá viên trị giá 80,685 triệu đồng. Mô hình kinh doanh hải sản của chị Đinh Thị Mùi, phường Tuần Châu, TP Hạ Long được dự án hỗ trợ trang thiết bị để sản xuất, kinh doanh trị giá 22 triệu đồng…

Mặc dù dự án đã kết thúc nhưng các mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng vẫn đang hoạt động tốt, được các cấp chính quyền địa phương đánh giá rất cao về cách thức lựa chọn đối tượng (đúng đối tượng), không chỉ hỗ trợ đối tượng đích về thiết bị sản xuất kinh doanh mà còn tổ chức được các lớp tập huấn về sinh kế theo nhu cầu của đối tượng đích với các chuyên gia đến từ Trung tâm Khởi nghiệp Quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn, hỗ trợ về khởi nghiệp. 

Trong quá trình kinh doanh, các đối tượng đích có thể trao đổi trực tiếp với chuyên gia về các khó khăn, vướng mắc và được giải đáp, hướng dẫn chi tiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đó cũng là thành công lớn của dự án.

Nối tiếp thành công của dự án về triển khai mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng tại 5 phường của tTP Hạ Long, từ năm 2022, bằng ngân sách tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh tiếp tục duy trì mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” thông qua hoạt động của 5 Câu lạc bộ nòng cốt cùa 5 phường với các thành viên tham gia gồm Ban chủ nhiệm, cộng tác viên thôn/khu và đối tượng đích.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định, Kế hoạch về việc thành lập thí điểm 5 Câu lạc bộ Phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn thành phố Hạ Long và triển khai các hoạt động. Cụ thể:

Tổ chức công bố quyết định thành lập và ra mắt câu lạc bộ tại 5 phường của TP Hạ Long; Tổ chức 5 hội nghị tập huấn về kỹ năng tiếp cận, truyền thông về phòng, chống mua bán người cho 225 người thành viên nòng cốt tham gia câu lạc bộ, đại diện tổ dân khu phố, cộng tác viên công tác xã hội và đối tượng đích là nạn nhân bị mua bán và người có nguy cơ cao bị mua bán; Tổ chức 1 hội thảo đánh giá nhu cầu hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán tại 5 phường của TP Hạ Long, trong đó có sự tham gia của 57 đại biểu là thành viên Ban chủ nhiệm câu lạc bộ, cộng tác viên xã hội thôn khu và đối tượng đích. Duy trì sinh hoạt mô hình Câu lạc bộ hằng tháng, trong đó, chú trọng đến công tác rà soát, phát hiện nạn nhân và người có nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán để các thành viên tiếp cận tư vấn, hỗ trợ, phòng ngừa trở thành nạn nhân bị mua bán.

Quỳnh Nga

Đình Thành và nhóm PV, BTV